pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lập Sở Chỉ huy tiền phương triển khai cứu hộ tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3
Theo đó, chiều ngày 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên – Huế để cứu hộ nhóm công nhân thủy điện đã bị mất liên lạc.
Trước đó, vào chiều ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận điện thoại cầu cứu của một người dân, thông báo hơn 10 công nhân đang thi công thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) bất ngờ bị vùi lấp do sạt lở đất. Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn thương tâm, chính quyền, các lực lượng chức năng và các phương tiện khẩn trương lên đường đến Thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ, cứu nạn.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết trước thông tin trên, trong đêm 12/10, lực lượng Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế và đoàn công tác của UBND tỉnh gồm hơn 20 người đi bộ để tiếp cận vị trí thủy điện trên, nhằm xác minh sự việc. Đoàn do Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dẫn đầu.
Do mưa lũ, sạt lở, suối chảy bất thường nên đoàn cứu hộ hành quân rất khó khăn trong việc đi lạ, đến rạng sáng 13/10, đoàn mới mới tiếp cận gần khu vực trên. "Đến trưa nay, Ban chỉ huy tiền phương (đóng tại Thừa Thiên - Huế) đã liên lạc được với 8 chiến sĩ, 13 người còn lại đang mất liên lạc", ông Tỵ cho hay.
Theo ông Tỵ, sáng 12/10, đoàn công tác do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, làm trưởng đoàn chuyển lương thực cứu trợ người dân vùng lũ 2 huyện Hương Trà và Phú Vang.
13h cùng ngày, khi nhận được tin có vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều lao động ở công trình thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, thượng tá Ngô Nam Cường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
Đến 16h, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Do mưa lũ, sạt lở đất, dòng suối chảy xiết, việc di chuyển gặp khó khăn. Đoàn công tác sau đó quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn. Khi gần đến điểm sạt lở, đoàn nghỉ chân tại Trạm kiểm lâm số 7 thì xảy ra vụ lở đất.
Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND xã Phong Xuân để chỉ đạo công tác tiếp cận các điểm sạt lở và thủy điện Rào Trăng 3.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng điều 3 xe bọc thép và hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Đến 10h30 ngày 13/10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được khu vực thủy điện do lượng đất đá sạt lở là rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.
Theo thông tin từ sở chỉ huy tiền phương, số công nhân mất tích tại khu vực công trình thủy điện Rào Trăng 3 lên đến 17 người, thông tin ban đầu có ít nhất 3 công nhân tử vong trong khu vực dự án.