"Tối giản" là một phong cách sống nổi tiếng của người Nhật, mà ở đó người ta cố gắng giữ càng ít vật chất thừa thãi xung quanh mình càng tốt. Bên cạnh đó, họ cũng hạn chế mua sắm những thứ xa hoa, không cần thiết để cuộc sống xung quanh không vướng bận nhiều và giữ cho tâm hồn thư thái hơn.
Lê Thanh Huyền là một nhân viên văn phòng tại một trong những tòa cao ốc "sang chảnh" nhất tại thủ đô Hà Nội. Phần lớn số tiền kiếm được và tiền thưởng, cô gái 28 tuổi này đều dành để mua sắm. Một ngày, Huyền chợt nhận ra, tủ giầy của cô có đến gần 50 đôi, trong tủ quần áo có hàng tá váy áo chưa một lần mặc đến, thậm chí nhiều món đồ còn chưa cắt mác. Thanh Huyền quyết định lập kế hoạch sắp xếp lại cuộc sống mình, bắt đầu thực hành lối sống tối giản.
Trong cuộc đấu tranh giữ lại hay vứt bỏ đó, Thanh Huyền không biết bắt đầu từ đâu và phải nhờ sự trợ giúp của chị Kitty Nguyễn, một người đã thực hành lối sống tối giản trong nhiều năm và đang hướng dẫn nhiều người thực hành lối sống giống như mình.
Hành trình sống tối giản của Thanh Huyền bắt đầu từ việc cầm một chiếc túi xách, đi quanh nhà và loại bỏ những món đồ không cần thiết. “Theo tư vấn của chị Kitty, mình bắt đầu từ bàn trang điểm, với đủ loại mỹ phẩm, son phấn. Đầu tiên, mình lên danh sách những sản phẩm đang có, những sản phẩm thường sử dụng, sản phẩm ít sử dụng. Sản phẩm nào thường dùng nhất, sẽ để qua một bên”, Thanh Huyền cho biết.
Sau đó, những món ít dùng sẽ được phân loại, xem hạn sử dụng, màu sắc, mùi hương của những món đồ còn mốt không, để dẹp bỏ bớt. “Ban đầu thật khó khăn, vì cầm món nào lên, mình cũng thấy tiếc, thấy những kỷ niệm ùa về. Thỏi son này là tháng lương đầu tiên mình mua để tự thưởng. Hộp phấn mắt này là cô bạn thân đi du lịch Nhật Bản về mua tặng. Chai nước hoa này đã cạn nhưng tiếc chiếc vỏ đẹp, nên mình giữ lại đã mấy năm nay”, Thanh Huyền chia sẻ.
Mỗi khi thấy mình cầm một món đồ băn khoăn, Thanh Huyền lại hỏi chị Kitty để được tư vấn. “Hãy suy nghĩ xem, nếu thiếu món đồ này, em vẫn ổn chứ? Không có món đồ này, cuộc sống của em có bị đảo lộn không? Chúng đã gần hết hạn rồi mà. Nếu món đồ nào từ 6 tháng đến 1 năm không sử dụng đến, hãy mạnh dạn loại bỏ”, Kitty Nguyễn tư vấn cho Thanh Huyền. Cứ như vậy, từng món đồ được xếp vào giỏ.
Tương tự, quần áo, giày dép, tủ đựng thực phẩm, các món đồ dùng gia đình cũng thế. “Sau khi trả lời câu hỏi, đã bao lâu rồi không dùng đến món đó? Không có món đó, mình có tiếp tục sống được không, mình đã dọn đi được gần 2/3 tủ đồ, chỉ giữ lại những món cần thiết mà mình thích nhất. Những món còn mới, mình đăng lên facebook bán thanh lý cho bạn bè. Với những đồ vẫn còn hạn sử dụng và dùng được, mình mang đi tặng hoặc làm từ thiện”, Thanh Huyền cho biết.
Sau một ngày dọn dẹp, nhà cửa đã thoáng rộng hơn. Theo hướng dẫn của chị Kitty, Thanh Huyền phân loại từng món đồ riêng biệt, gấp và sắp xếp lại, quy định cho mỗi món một vị trí riêng. Từ đó, mỗi khi cần lấy một vật gì, Huyền biết cần phải mở chiếc tủ nào, vị trí ở đâu, gọn gàng, ngăn nắp và tiết kiệm thời gian hơn nhiều.
Đồ dùng được loại bỏ bớt, căn phòng của Thanh Huyền bỗng trở nên thoáng, rộng hơn. “Với một người độc thân như mình, không gian này thật tuyệt vời để tận hưởng cuộc sống và thư giãn sau một ngày làm việc. Thói quen mua sắm lãng phí, thích là mua, không cần biết sau này có sử dụng hay không của mình cũng thay đổi, đủ dùng và cần thiết”, Thanh Huyền chia sẻ.
Mẹo nhỏ từ chuyên gia
Nếu đã chọn phong cách sống tối giản, bạn hãy xác định, đây là một hành trình dài, không chỉ dừng lại ở một lần dọn dẹp, loại bỏ bớt đồ đạc là xong. Vì vậy, cần duy trì nếp sống tối giản từ những việc thường nhật. Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây từ chuyên gia:
- Duy trì thói quen dọn dẹp hàng ngày
Mỗi ngày chỉ cần 15 - 20 phút, để bạn dọn dẹp lại toàn bộ nhà cửa, không gian sống và đừng quên, tiếp tục cân nhắc, loại bỏ những món đồ bạn không dùng đến như chai nhựa, hũ thủy tinh, hộp giấy... đã qua sử dụng.
- Quy định vị trí riêng cho từng vật dụng
Mỗi đồ vật trong nhà đều phải có vị trí riêng để có thể cất đi sau khi sử dụng. Tránh để đồ mỗi thứ một nơi, mất thời gian khi tìm kiếm, sử dụng và dọn dẹp.
- Dùng xong thứ gì, dọn luôn thứ đó
Chỉ cần một lần để đồ bừa bãi, không dọn dẹp, lần sau bạn sẽ tiếp tục lười, ngại bắt tay vào dọn dẹp. Vì vậy, dùng xong món gì, nên dọn dẹp, cất vào vị trí quy định ngay để nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp.
- Tối giản không chỉ dừng ở việc vất đồ
- Tìm hiểu kinh nghiệm sống tối giản của những người xung quanh
Việc tham khảo và tìm hiểu cách sống tối giản của những người xung quanh sẽ là động lực để bạn thay đổi cuộc sống của mình. Bạn cũng có thể tham gia các hội, nhóm cùng sở thích sống tối giản để có thêm động lực, cảm hứng với phong cách sống này.