Lấy lại sự lạc quan cho nữ bệnh nhân ung thư di căn muốn tự tử

13/10/2019 - 19:19
Bị bệnh tật trong thời gian dài, người phụ nữ 37 tuổi đã có ý định tự tử vì cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình, không giúp được gì cho chồng con.
Bệnh nhân nhập viện vào khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sau khi đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị do ung thư buồng trứng.
 
Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán bán tắc ruột do ung thư di căn manh tràng, hồi tràng, ung thư xâm lấn niệu quản. Sau một thời gian được điều trị, bệnh nhân được kiểm soát đau và được an ủi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng rồi xuất viện với tinh thần rất lạc quan.
 
Thế nhưng, không lâu sau, bệnh nhân lại nhập viện với chẩn đoán sảng giảm động do nhiễm trùng, theo dõi bệnh não gan, ung thư buồng trứng di căn hai phổi… Tâm sự với bác sĩ, bệnh nhân cho biết chị cảm thấy bản thân là gánh nặng của gia đình, không giúp được gì cho chồng con nên đã có ý định tự tử.
 
Các bác sĩ, nhân viên y tế đã thường xuyên tâm sự, động viên và mời Đơn vị tâm lý lâm sàng phối hợp để giúp nữ bệnh nhân vượt qua được những bất ổn tâm lý. Đồng thời bác sĩ cũng nói chuyện với gia đình người bệnh, sắp xếp người chăm sóc các con để người mẹ yên tâm hơn.
 
 
Bác sĩ thăm khám, động viên tinh thần người bệnh

 

Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân vui vẻ trở lại, tinh thần lạc quan, thường xuyên đọc sách và tập thể dục. Hiện chị đã xuất viện và đang được điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà.
 
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nữ bệnh nhân trên chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần chăm sóc giảm nhẹ nhập viện tại bệnh viện này trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận số lượng người bệnh chăm sóc nội trú là 5.411 ca, theo dõi tại phòng khám ngoại trú 910 ca. Bên cạnh việc điều trị giảm đau bằng thuốc, các hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và gia đình của họ.
 
TS BS. Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, chăm sóc giảm nhẹ dành cho tất cả các đối tượng người bệnh mắc các bệnh cấp tính lẫn mạn tính không chữa khỏi và gia đình họ. Các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải toả tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.
 
 
Bác sĩ tư vấn cho người nhà bệnh nhân

 

Trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ giúp người bệnh hiểu rõ bệnh, tiên lượng bệnh để lập kế hoạch chăm sóc sức khoẻ trong tương lai một cách phù hợp, giúp người bệnh sống lạc quan hơn cũng như tìm thấy được chỗ dựa đáng tin cậy trong giai đoạn cuối đời.
 
Theo bác sĩ Ngọc Thể, các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ được tiến hành trong thời gian nằm viện và sau khi người bệnh xuất viện. Ngoài việc điều trị hiệu quả các vấn đề thể chất, các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ còn bao gồm việc hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh, người chăm sóc và gia đình người bệnh.
 
Sau khi người bệnh xuất viện, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn tại nhà, thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình trạng người bệnh và gia đình người bệnh, đặc biệt là các trường hợp người bệnh thời gian sống ngắn muốn xuất viện và được chăm sóc tại nhà. Đồng thời cung cấp số điện thoại hỗ trợ người bệnh khi cần và khám ngoại trú theo dõi bệnh sau thời gian nằm viện.
 
Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh và gia đình người bệnh mắc các bệnh mạn tính không chữa khỏi như ung thư, suy các cơ quan cần tìm hiểu thêm thông tin và yêu cầu được tư vấn các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, giúp thảo luận mục tiêu chăm sóc phù hợp với giai đoạn bệnh. Từ đó có kế hoạch cụ thể cho những điều trị y tế trong tương lai, giúp xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần cho người bệnh và giảm thiểu các điều trị không cần thiết..

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm