Lấy mốc 14 tuổi để quy định thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông

25/11/2019 - 17:09
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày (25/11), với 83,64% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, có ý kiến đại biểu cho rằng việc lấy mốc 14 tuổi để quy định thời hạn hộ chiếu phổ thông là chưa phù hợp với quy định của một số bộ luật khác.

Với Điều 7 về “Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh”, trong đó thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định: “Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn”; Ở điểm b điều này quy định “Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn”.

Trước đó, có ý kiến đại biểu cho rằng việc lấy mốc 14 tuổi là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (16 tuổi), Bộ luật Lao động đang sửa đổi (15 tuổi) nên đề nghị chỉnh lại mốc tuổi là 15 tuổi.

Tiếp thu, giải trình trước quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Việc phân biệt thời hạn của hộ chiếu tại Điều 7 cấp cho người chưa đủ 14 tuổi và từ đủ 14 tuổi trở lên là căn cứ vào độ tuổi được cấp căn cước công dân, cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử và đây là độ tuổi đã phát triển tương đối ổn định về dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Về nội dung Cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài (Điều 16), có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 16 trường hợp không có bất kỳ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và được cơ quan thẩm quyền xác minh là công dân Việt Nam hoặc đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trường hợp này; quy định thời hạn tại khoản 4 Điều 16 cho phù hợp với trường hợp không có cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại; mở rộng diện cấp giấy thông hành tại khoản 1 Điều 19 cho cả công dân không thuộc tỉnh, huyện, xã biên giới.

Ông Võ Trọng Việt cho biết: Trong trường hợp thiếu giấy tờ làm căn cứ cấp hộ chiếu đã quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 16 về việc kéo dài thời gian để xác định căn cứ cấp hộ chiếu. Trường hợp bị nước ngoài trục xuất hoặc phải về nước theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước sở tại về việc nhận trở lại công dân mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã được quy định tại Điều 17, Điều 18 về cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn. Về thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài không quá 05 ngày tại khoản 4 Điều 16 là kế thừa quy định hiện hành (Nghị định số 136/2007/NĐ-CP) đã được thực hiện ổn định trong thời gian vừa qua.

Việc quy định khái quát đối tượng cấp giấy thông hành tại Điều 19 là phù hợp với nội dung các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng cấp giấy thông hành để cụ thể hóa nội dung khác nhau của từng Hiệp định cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Về bổ sung trường hợp được miễn thị thực “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” (khoản 7, điểm b khoản 18 Điều 1), có ý kiến đề nghị đối với 16 khu kinh tế ven biển ở trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu (đã được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật số 47) mà không phải kèm theo điều kiện, còn các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo thì quy định rõ điều kiện như dự thảo Luật đã quy định.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài.

Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định; đồng thời đề nghị thu hút các điều kiện này từ điểm b khoản 18 về khoản 7 Điều 1 của dự thảo Luật.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm