Lễ giỗ tổ ngành may

28/01/2018 - 17:11
Hôm nay, ngày 12/12 âm lịch là ngày Giỗ tổ của ngành may. Ở nhiều địa phương trong cả nước, các thợ may tổ chức dâng lễ vật cúng Tổ nghề của mình là bà Nguyễn Thị Sen, Tứ phi hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo truyền thống của nghề may, để tưởng nhớ đến vị Tổ nghề, các nhà may ở Việt Nam đã chọn ngày 12/12 âm lịch để giỗ Tổ. Giỗ Tổ là dịp để các thợ may thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã khai sáng ra nghề may mặc. Ngoài ý nghĩa ôn cố tri ân, việc giỗ Tổ còn khẳng định, tôn vinh nghề của mình, là bằng chứng cụ thể để thấy vị trí của nghề may và cũng là dịp trình nghề nhằm giới thiệu những thành tựu của nghề nghiệp.
nghe-may-1.jpg
Nghề may mặc có từ rất lâu trong lịch sử

Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá (Hà Nội) thì bà tổ của nghề may là bà Nguyễn Thị Sen. Bà là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục truyền rằng, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng. Bà đã kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Vị quân vương giữa rừng hoang gặp cô thôn nữ nhan sắc tuyệt trần đã mời nàng về chốn Hoàng cung và truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến cho nàng. Tại Kinh đô Hoa Lư, bà Nguyễn Thị Sen được phong là Hoàng hậu. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua.

nghe-may-2.jpg
Nghề may mặc hiện đã phát triển hơn rất nhiều với những mẫu thời trang ngày càng phong phú, lạ lẫm. May mặc không đơn thuần là phục vụ như cầu mặc của con người mà là để làm đẹp, tạo dấu ấn khác biệt

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, quyền lực hậu cung chuyển giao về với Dương Vân Nga và Lê Hoàn, bà tứ phi Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen đã cùng Công chúa Liên Hoa từ giã hoàng cung Hoa Lư để trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề may áo dài truyền thống. Lễ hội giỗ tổ Thợ may ngày nay được tổ chức khá lớn vào ngày 12 tháng chạp Âm Lịch hàng năm tại Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam). 

Cảnh người dân ỏ Hội An chuẩn bị và tổ chức cúng Giỗ tổ nghề may với heo quay và nhiều lễ vật khác vào sáng nay, 28/1/2018, tức ngày 12/12 âm lịch. Tại phố cổ Hội An, có rất nhiều tiệm may phục vụ khách du lịch nên người dân rất coi trọng ngày Giỗ này. Clip: Đinh Thu Hiền

" data-mce-object="video" />


Cũng trong ngày, nhiều tiệm may ở Việt Nam tiến hành lễ giỗ tổ thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế. Lễ vật gồm Trái cây, củ quả, hoa lay ơn, Nhang rồng phụng, Đèn cầy, Gạo hủ, Muối hủ, Trà pha sẵn, Rượu nếp Hà Nội 420ml, Nước chai 500ml, Trầu cau, Giấy cúng Giỗ tổ ngành may, Xôi, Gà luộc, Heo quay con, Bánh bao, Bánh chưng/bánh tét, Chả lụa…

gio-nghe-may-1.jpg
Mâm cúng giỗ tổ nghề may

Khi chuẩn bị lễ vật xong, lên hương đèn, chủ nhà may hay người thợ chính ăn mặc chỉnh tề (áo dài hay âu phục) làm chủ bái, khấn vái với nội dung cảm tạ công ơn của vị Tổ nghề khai sáng ra nghề may mặc và những bậc tiền hiền đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp của mình để có đời sống sung túc và cầu mong nghề nghiệp ngày càng thuận lợi, phát đạt. Lễ cúng xong, thợ thầy cùng vui hưởng, chuyện trò, trao đổi công việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm