Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được trao bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

P.V
22/04/2024 - 23:27
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được trao bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ rước các bậc tiên tổ của con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh trong Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024

Tối 22/4, trong khuôn khổ Lễ hội Thập niên sự lệ 2024, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An).

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan còn gọi là Thập niên sự lệ diễn ra tại đền thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Lễ hội được tổ chức 10 năm 1 lần vào ngày Rằm tháng 3 âm lịch, bắt đầu từ năm 1604. Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch (tức 21 đến 23/4 dương lịch).

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu trên mảnh đất Đô Lương, Nghệ An.

Trong đó, Thập niên sự lệ là lễ hội bắt nguồn từ văn hóa dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngưỡng thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trao Quyết định công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Với lịch sử hàng trăm năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan tỏa, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. "Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên "sản phẩm" văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng", bà Hạnh nói.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.

Đặc biệt là có kế hoạch đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về Thập niên sự lệ làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan toả và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh dâng hương tại Đền Nguyễn Cảnh Hoan

Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh dâng hương tại Đền Nguyễn Cảnh Hoan

Dòng họ Nguyễn Cảnh có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An, từng được vua Lê ban 8 chữ vàng "Trung cần nhân nghĩa – Bảo hộ quốc dân". Với 25 đời con, cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.

Nguyễn Cảnh Hoan thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Thời kỳ đem quân vào ứng cứu Nghệ An, Nguyễn Cảnh Hoan và các tùy tướng đóng đại bản doanh, xây hào lũy ở khu vực Nam Đường, vỗ về dân chúng ở đây. Vùng Lưu Sơn, Đô Lương được ông dạy cho cách ép mía làm mật, dân cư ven sông Lam được ông chỉ cho nghề nuôi tằm dệt vải…

Giữa thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan bị thuộc tướng làm phản, rơi vào mai phục và bị bắt và đem về Thăng Long. Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông cự tuyệt, một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị giết tại Thăng Long.

Thương tiếc một danh tướng giỏi, một bầy tôi trung thành, vua Lê đã truy phong ông là Thái phó Tấn Quốc công Binh bộ Thượng thư, và phong là Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương, xếp vào hàng Trung đẳng thần, cúng tế và hương hỏa hằng năm. Đồng thời, ban thêm cho con cháu đất vùng Ngọc Sơn, Nông Sơn, Hồ Sơn thuộc vùng Nam Đường làm thái ấp.

Để tưởng nhớ công đức lớn lao của Thái phó Tấn Quốc công, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là Đức Thánh Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm