pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023: 122 tác phẩm được vinh danh
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII - Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Tối 21/6, Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, năm 2023 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh; cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà báo lão thành, các tác giả đoạt giải.
Trong số 165 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII.
Cụ thể, giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) thuộc về tác phẩm: "Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử" của tác giả Lê Thị Thanh Hà (Nguyên Đức) – Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư.
Giải A thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in) được trao cho loạt 3 kỳ: "Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của tác giả Lê Hải – Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.
Loạt 3 bài: "Công viên Địa chất Toàn cầu bị "xẻ thịt" của nhóm tác giả Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn – Báo Nông thôn ngày nay, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được trao giải A thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in).
Ở thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh), giải A được trao cho tác phẩm: "Trở về" của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh), Ban Tổ chức trao giải A cho loạt 3 bài: "Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số 'bị nhốt' trong kho bạc?" của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu (Đình Thiệu), Nguyễn Long Phi (Long Phi) – Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tác phẩm: "Nỗi đau của sông mẹ" của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Anh Tuấn), Chu Sỹ Thanh (Chu Thanh) – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam xuất sắc giành giải A thể loại Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình).
Thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình), giải A thuộc về tác phẩm: "Hiệp định Paris - Khát vọng hòa bình" của nhóm tác giả Nguyễn Thu Yến, Phan Thị Hoài, Đặng Thị Hải Bằng, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Đức Dân – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Vinh danh giải A ở thể loại Phim tài liệu truyền hình là loạt 2 bài: "Hồ Chí Minh – Con đường phía trước" của nhóm tác giả Ngô Quang Thịnh, Vũ Quang Lãm, Phạm Ngọc Lan, Trương Ngọc Dũng, Vũ Nguyễn Thành Khôi – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử), loạt 5 bài: "Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam – Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
Loạt 3 bài: "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" của nhóm tác giả Hoàng Văn Chiên, Đỗ Doãn Hoàng, Phạm Sỹ Công, Nguyễn Đức Minh – Báo điện tử Dân Việt, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giành giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử).
Thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh không có giải A.
Tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, TTXVN có 1 giải A, 4 giải C và 3 giải Khuyến khích.
Cụ thể, loạt 5 bài: "Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam – Báo điện tử VietnamPlus đoạt giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử).
Bốn tác phẩm đoạt giải C gồm: Loạt 5 bài "Khẳng định vị thế mới của gạo Việt Nam" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng, Phạm Thị Hồng Nhung, Đoàn Đức Minh, Nguyễn Thị Thùy Linh – Ban biên tập tin Kinh tế (thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in)); loạt 4 bài: “Bánh vẽ” sâm Ngọc Linh của nhóm tác giả Hoàng Cao Nguyên, Nguyễn Văn Thắng (thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in); tác phẩm: "Kinh hoàng vụ cháy chung cư mini trong đêm" của tác giả Phạm Trung Kiên (Phạm Kiên) (thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh); tác phẩm "Khơi nguồn tài lực" của nhóm tác giả Hoàng Giang, Hoàng Đức Long, Nguyễn Thị Thùy Ngân, Hà Văn Quỳnh, Đỗ Thị Luyến - Trung tâm Truyền hình Thông tấn (thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình).
Ba tác phẩm đoạt giải Khuyến khích là: Loạt 4 bài "Vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam Tổ quốc" của nhóm tác giả Huỳnh Thế Anh (Huỳnh Anh), Nguyễn Vũ Thành Đạt – Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in); tác phẩm: "Xin để rừng Nghiến hàng trăm năm tuổi Phìn Hồ được sống" của nhóm tác giả Trần Văn Hoàng (Việt Hoàng), Nguyễn Văn Oanh (Nguyễn Oanh), Đinh Thị Thủy (Đinh Thùy) (thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh); tác phẩm "Việt Nam - Khát vọng hòa bình" (Vietnam’s aspiration for peace) của nhóm tác giả Lê Thị Bảo Ngọc, Nguyễn Văn Bình, Phạm Phương Anh, Đào Kiên Trung, Trần Vũ Quang – Trung tâm Truyền hình Thông tấn (thể loại Phim tài liệu truyền hình).
Theo nhận định của Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023, điểm nổi bật năm nay là: Các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng. Ngoài các cơ quan báo chí ở Trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện. Có thể thấy, qua mỗi mùa giải, chất lượng tác phẩm dự thi càng ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp.
Giải Báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Bước sang năm thứ 18 đồng thời là năm thứ 99 báo chí cách mạng Việt Nam, uy tín của Giải Báo chí quốc gia tiếp tục được khẳng định vững chắc. Giá trị và hình ảnh Giải được lan tỏa rộng khắp các cấp Hội và hội viên. Nhiều Liên chi hội, cấp Hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự Giải tốt; nhiều Hội Nhà báo cấp tỉnh đã đầu tư từ công tác chọn đề tài đến hỗ trợ nâng cao chất lượng và tuyển chọn tác phẩm dự Giải…