Lễ Vu Lan 2021: Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19

Vân Anh
14/08/2021 - 13:45
Lễ Vu Lan 2021: Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19

Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19

Vu Lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên với việc làm đẹp. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 năm nay, nhiều nghi thức truyền thống không thể thực hiện được.

Lễ Vu Lan còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Năm 2021, lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Chủ nhật 22/8 dương lịch. Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày lễ đặc biệt này, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nghi thức đẹp trong mùa lễ Vu Lan năm nay phải tạm gác lại.

Những nghi thức đẹp trong ngày lễ Vu Lan

Nghi thức bông hồng cài áo

Nghi thức bông hồng cài áo được thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Bông hoa hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình.

Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ. Bông hồng trắng dành để cài cho những người cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi. Các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh sẽ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng cao quý này. 

Lễ Vu Lan 2021: Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành thông bạch về Lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2565 - Dương lịch 2021: “Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo, và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan”. Ảnh minh họa

Đi chùa cầu an

Lễ Vu Lan là một lễ lớn trong năm của Phật giáo, bởi vậy trong tháng 7 âm lịch, các chùa đều tổ chức những hoạt động chào đón mùa Vu Lan thắng hội. Dịp này, người Việt thường đến các chùa để lễ cầu an cho cha mẹ, cho gia đình. 

Cùng với nghi lễ cầu an, nhiều người còn thực hiện nghi lễ thả hoa đăng, phóng sinh và tham dự lễ cúng chúng sinh gửi gắm ước nguyện may mắn, an lành.

Lễ Vu Lan 2021: Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều nghi thức đẹp không thực hiện được vì dịch Covid-19

Sum họp gia đình

Lễ Vu Lan là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần, sum họp, là cơ hội để bạn nói ra những lời biết ơn chân thành gửi đến cha mẹ. Trở về bên cha mẹ là điều những người con luôn muốn làm trong mỗi dịp lễ Vu Lan.

Thăm viếng mộ tổ tiên

Lễ Vu Lan cũng là dịp để con cháu tri ân, kính nhớ tổ tiên, hướng về nguồn cội. Thăm viếng, chăm sóc phần tổ tiên, đem những việc tốt trong năm dâng lên ông bà và điểm lại những việc chưa tốt để khắc phục sửa chữa trong thời gian tới là những việc thường làm của các gia đình.

Vu Lan vẫn ấm áp trong mùa dịch Covid-19

Để phòng chống dịch Covid-19, tại nhiều địa phương, đặc biệt là 23 tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, những nghi thức trên khó có thể thực hiện được. Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, tâm trí bạn hướng về gia đình, về cha mẹ, về tổ tiên, về những người thân yêu, bạn vẫn cảm thấy mùa lễ Vu Lan luôn tràn ngập yêu thương.

Nếu may mắn được ở cùng ông bà, cha mẹ trong thời gian này, bạn hãy dành sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn đến sức khỏe, tinh thần, cùng họ lạc quan vượt qua mùa dịch. Nếu bạn ở xa gia đình, hãy dành thời gian để gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, động viên tinh thần ông bà, cha mẹ, người thân. Bạn cũng có thể đặt một vài món quà để gửi tặng ông bà, cha mẹ. 

Dù dịch bệnh, còn nhiều điều mong ước không thể thực hiện được ngay, song tấm lòng chân thành, hiếu thảo, xuất phát từ tình yêu thương của con cháu vẫn luôn là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ, ông bà mong đợi.

Ngày lễ Vu Lan ra đời theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, ông nhớ mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời nên dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian. Ông thấy bà bị đày thành Ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì mẹ bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng tất cả thức ăn đều biến thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên cầu cứu lên Phật Tổ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.

Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình và từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm