Lên chùa tìm về 'ngày an lạc'

08/02/2019 - 17:29
Hôm ấy, khóa tu “Một ngày an lạc” lần thứ 48 của chùa Tứ Kỳ, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) diễn ra trong không khí ấm ấp. Sau khi nghe thầy giảng pháp về chủ đề “Biết ơn cha mẹ”, trong gian phòng yên tĩnh dưới mái chùa trần thấp cổ xưa, chị Trần Kim Oanh (40 tuổi, Kim Liên, Hà Nội) đã nắn nót ghi lại từng dòng tự sự.

"Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn"

Chị Oanh kể: “Đã thành thông lệ, cứ đến tối thứ 7 cuối tuần, mình ngồi cắt móng tay, móng chân cho cả nhà. Việc này nhắc mình nhớ đến một kỷ niệm chưa xa. Mình lên Hà Nội sống đã lâu, xa bố mẹ, rồi lấy chồng sinh con, nên thời gian mình về thăm nhà rất ít. Hè vừa rồi bố mình lên khám ở bệnh viện nên ở nhà mình một tuần. Một hôm bố bảo: "Cho bố mượn cái bấm móng tay".

 

img-9501.jpg
Khóa tu 1 ngày tại các chùa bắt đầu từ 7 giờ sáng với hoạt động tập thể dục

 

Mình đưa cho bố và ngồi cạnh luôn để tranh thủ nói chuyện, thấy bố cứ lóng ngóng mãi cúi xuống và đưa chân lên, mãi chưa bắt đầu được việc định làm là cắt móng chân. Mình bảo: "Bố để con cắt cho ạ!".

Mình cầm lấy bàn chân của bố, ngay lập tức có cảm giác đầy ân hận. Các móng chân của bố vừa đen, vừa dài, vừa sần sùi góc cạnh. Mình im lặng mãi, cho đến khi bố nói: “Bố đau lưng không cúi xuống cắt được”. Mình càng thấy lòng ngổn ngang, không thể diễn tả được những suy nghĩ đang rối loạn. 

Cũng mùa hè đó, mình nghe cô bạn kể lại việc con cô tham gia một khóa tu mùa hè và được con rửa chân cho mà cô ấy khóc mãi... Mình cũng muốn òa lên! 

img-9526.jpg
Thực hành tu tập, nghe thầy giảng pháp

 

Rất nhiều người (trong đó có mình) kêu bận, quá bận để quên đi rất nhiều những việc nhỏ nhặt nhưng yêu thương (dù nó cũng không chiếm mất nhiều thời gian của mình). Một sự quan tâm, một lời hỏi han, một cái ân cần,... cần lắm chứ và ý nghĩa lắm chứ!

Sau đó, mình vẫn luôn tự nhủ lòng phải "Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn" cho mình và cho tất cả những người xung quanh nữa. Không phải là mình không biết mà mình thấy có được dễ dàng quá nên không trân trọng, rồi lại coi đó là việc bình thường...

Con cảm ơn Thầy Thích Nguyên Đức đã giảng cho chúng con nghe và chắc chắn con sẽ không còn bối rối khi về gặp cha mẹ và nói lời yêu thương nữa. Các con của con cũng đã hay ôm con và nói "Con yêu mẹ" rồi chúng tranh nhau yêu mẹ nhất nhà. Con hạnh phúc lắm ạ! Con hy vọng, chắc chắn các con, khi được sống trong thế giới có sự “biết ơn” này, sẽ làm cho từng ngày được tốt đẹp hơn… Con mong sao tất cả các bạn trẻ ngay từ bé đã được học, được cảm nhận được ơn đức sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và lớn lên luôn là người con có hiếu”…

 

img-9591.jpg

 

Bổ ích, lành mạnh, hướng thiện

Còn em Nghiêm Xuân Nhi, 14 tuổi, Hà Nội, cũng đã chậm rãi, yêu thương cùng đốn ngộ: “Đây là lần thứ 3 con tham gia khóa tu ở chùa Tứ Kỳ, con đã học tập được rất nhiều điều từ Thầy. Hôm nay, Thầy giảng về chủ đề “Cảm ơn cha mẹ”. Bài giảng đã giúp con hiểu sâu hơn về tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái, cũng như những việc con cái nên làm để biết ơn và chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Qua bài giảng của Thầy, con nghe cảm thấy rất cảm động, con có cảm giác yêu thương ba mẹ (ngay lúc này) hơn bao giờ hết!

Trước hết con muốn xin lỗi ba mẹ vì con còn non trẻ, nhiều lúc con làm điều dại dột, con mong ba mẹ hãy tha thứ cho con vì những điều con đã làm. Và con phải thú nhận một điều rằng đôi lúc, ba mẹ mắng con, con cảm thấy rất bức xúc. Đôi lần con đã chửi thề, nhưng sau đó, con cảm thấy mình thật sai lầm khi làm việc đó. Nên con đã rất hối hận. Con muốn cảm ơn cha mẹ, người đã có công sinh thành, nuôi dạy con lớn khôn. Con sẽ không bao giờ phụ lòng cha mẹ, con sẽ cố gắng học hành thật giỏi. Cố gắng nghe lời cha mẹ hơn, để đền đáp công ơn cha mẹ đã dành cho con. I love you, mom and dad!”…

 

img-9617.jpg
Thực hành nghi lễ thọ trai (ăn trưa đồ chay)

 

Trước kia, những khóa tu “Một ngày an lạc” vẫn thường xuyên được tổ chức theo định kỳ hàng tháng ở các chùa tại Hà Nội nhưng gần đây, chúng đặc biệt được “nở rộ” và ngày càng thu hút các gia đình trẻ và những bạn trẻ với những hình thức sinh hoạt ngắn gọn, đa dạng, hấp dẫn, thiết thực và gần gũi…

Bạn Huỳnh Đắc Sơn, thành viên nòng cốt của Đạo tràng - Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang - Hội từ thiện miền Bắc, cho biết: “Thanh niên luôn là đối tượng có khát khao được cống hiến nhưng hiện nay nhiều bạn lại bị thiếu lý tưởng sống. Do vậy, khi tìm thấy ở khóa tu - một môi trường sinh hoạt tu học phù hợp, trẻ trung - các bạn thấy bổ ích, lành mạnh, hướng thiện thì sự nhiệt tình, tự nguyện tham gia càng nhiều để được thân tình gọi nhau là huynh, đệ được tu tập rèn luyện đạo đức, hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn. Nhờ đó có thể sống, phục vụ mọi người, mang lại được lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước. Có những khóa tu thiền, lễ phóng sinh tại chùa đã thu hú thơn 1.500 bạn tham gia”. 

Các khóa tu “Một ngày an lạc”dành cho các gia đình được tổ chức với hình thức đăng ký hiện đại, thuận tiện (qua facebook, zalo, email hay trực tiếp tại chùa…). Khóa tu tổ chức hoàn toàn miễn phí và thường diễn ra trong thời gian: từ 7h đến 17h với các hoạt động: Tập thể dục, dự lễ phóng sinh, lễ Phật, nghe giảng pháp - viết bài cảm tưởng, dạy - luyện viết thư pháp Việt, thi Rung chuông chùa; thọ trai (ăn trưa đồ chay); thiền buông thư (ngủ trưa), tập khí công, tụng kinh, dâng nến, văn nghệ khóa tu; pháp đàm hỏi đáp với giảng sư, đọc, tuyên dương người đạt giải trong bài viết thu hoạch, trao phần thưởng , nghỉ ngơi ăn nhẹ trước khi ra về… Nội dung giảng pháp trong các khóa tu thường về đạo đức, luật nhân quả, tu tại gia, tình yêu gia đình, quan hệ vợ chồng, biết ơn cha mẹ, dạy trẻ cách chọn bạn mà chơi…

Địa chỉ tham dự các khóa tu tại Hà Nội

- Chùa Tứ Kỳ, ngõ 8 Ngọc Hồi, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai
- Chùa Pháp Vân, 1299 đường Giải Phóng, Q.Hoàng Mai
- Chùa Hòa Phúc, thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai
- Chùa Bằng, số 63 phố Bằng Liệt, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai
- Chùa Tương Mai (Linh Ứng Tự) 231 Trương Định, Q.Hoàng Mai
- Chùa Vạn Phúc, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn
- Chùa Bồ Đề, phố Phú Viên, Bồ Đề, Q.Long Biên
- Chùa Mỗ Lao, số 2 Thanh Bình, P.Văn Mỗ, Q.Hà Đông…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm