Tin tổng hợp

Lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước nạn quấy rối, xâm hại tình dục

21/10/2019 - 02:58 PM
Rất nhiều vụ việc quấy rối tình dục diễn ra gần đây gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội bởi tính chất phức tạp, lộ liễu nhưng biện pháp xử lý còn khó khăn, bất cập. Tại buổi truyền thông do Hội LHPNVN phối hợp tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, các chuyên gia cùng phân tích, đưa ra các giải pháp căn cơ góp phần giảm thiểu tình trạng này và tạo môi trường an toàn, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.

Tại thành phố Đà Nẵng, TƯ Hội LHPN Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng tổ chức sự kiện Truyền thông phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng, nhằm tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là sinh viên trong phòng chống quấy rối tình dục.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Theo thống kê của cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Đối với trẻ em, năm 2018 có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Cùng với đó, vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng hiện đang trở thành một vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Rất nhiều vụ việc diễn ra, gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội bởi tính chất phức tạp, lộ liễu nhưng biện pháp xử lý còn khó khăn, bất cập.

Tại sự kiện truyền thông phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng, các em sinh viên, nữ thanh niên đã trực tiếp đặt các câu hỏi tới các đại biểu, chuyên gia cùng trao đổi về những vấn đề như: Nguyên nhân tình trạng quấy rối, tấn công tình dục phụ nữ nơi công cộng; những hậu quả, sang chấn của nạn nhân; những hành động bảo vệ, hỗ trợ trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; những hoạt động cụ thể cũng như giải pháp của Hội LHPNVN để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em…

Giải đáp câu hỏi của sinh viên, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng: Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi của Hội đồng Thẩm phán quy định rõ, như thế nào là phạm tội dâm ô. “Đây là cơ sở để chúng ta lên tiếng với các vụ việc, đối tượng có các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và phải xét xử. Những vụ việc được xét xử chưa đúng tội danh thì các tổ chức cũng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ các cháu”.

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, các bậc phụ huynh luôn phải quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con em của mình. Còn về phía Hội, bà Hòa cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng đến vấn đề xâm hại trẻ em…

Trao đổi tại buổi truyền thông, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn ngừa, cũng như lên tiếng mạnh mẽ và đề nghị cơ quan chức xử lý các hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Cùng với hoạt động tuyên truyền phụ nữ và nữ thanh niên nhận biết rõ các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, các cấp Hội phụ nữ kịp thời phát hiện, lên tiếng mạnh mẽ để thể hiện quan điểm trước các hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ. Cùng với đó rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, nhằm phát hiện những khoảng trống trong chế tài để kiến nghị, đảm bảo quyền của chị em phụ nữ, đảm bảo tính răn đe với các hành vi vi phạm.

Tại hội nghị, các em cũng bày tỏ những băng khoăn về những nguyên nhân gốc rễ tình trạng quấy rồi tình dục ngày càng tiếp diễn theo chiều hướng lộ liễu, công khai. Đặc biệt, vấn đề hành lang pháp lý, chế tài xử phạt với hành vi quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em còn hạn chế, thiếu tính răn đe cũng được các đại biểu phân tích và đưa ra những kiến nghị nhằm giảm thiểu tình trạng này…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn