Cách chọn laptop màn hình cảm ứng

16/09/2015 - 15:44
Ra đời từ hơn 10 năm trước nhưng phải đến gần đây, các sản phẩm laptop trang bị màn hình cảm ứng mới “định vị” được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường.
KHÁC BIỆT ĐẾN TỪ… SỰ QUEN THUỘC
Những năm gần đây, thị trường máy tính xách tay (laptop) luôn xuất hiện những sản phẩm cao cấp với công nghệ ngày càng hiện đại, khiến người tiêu dùng luôn cảm thấy “khó xử” khi cần phải lựa chọn. Giữa bối cảnh đó, dòng laptop màn hình cảm ứng trở nên nổi bật hơn, đặc biệt là từ khi Window 8 xuất hiện.
Thật ra, một số laptop sử dụng màn hình cảm ứng đã xuất hiện từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước nhưng công nghệ cũng như các phần mềm đi kèm thời ấy chưa đủ sức để khiến những sản phẩm này có thể cuốn hút người dùng. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, màn hình cảm ứng thời bấy giờ còn “yếu thế” hơn các loại máy sử dụng màn hình thường, do giá thành đắt đỏ hơn.
Thế nhưng, những sản phẩm laptop màn hình cảm ứng thế hệ mới lại tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Kỹ năng sử dụng máy tính bảng và smartphone của nhiều người đã giúp họ dễ dàng làm quen với laptop màn hình cảm ứng, với rất nhiều điểm tương đồng so với 2 loại sản phẩm phổ biến nói trên. Nhiều “tín đồ công nghệ” đánh giá, những chiếc laptop màn hình cảm ứng đời mới không chỉ có hình thức rất thời thượng và sành điệu, mà còn tiện ích khi sử dụng các ứng dụng.

Laptop màn hình cảm ứng đời mới có hình thức thời thượng và tiện ích khi sử dụng

Trong thực tế, khi chúng ta sử dụng laptop "thường", đôi khi sẽ gặp trường hợp bàn di chuột (trackpads) không hỗ trợ đa điểm chạm để thực hiện chuyển đổi giữa các ứng dụng hoặc các thao tác cần xử lý nhanh bằng cảm ứng đa điểm trong phần mềm. Nhưng điều này sẽ thực sự dễ dàng hơn khi sử dụng màn hình cảm ứng được trang bị trên một chiếc laptop. Và với việc Microsoft phát triển hệ điều hành Windows 8, các nhà sản xuất máy tính cũng bắt đầu tham gia tích cực thiết kế để tối ưu hóa laptop với màn hình cảm ứng nhằm phù hợp với ý tưởng này. Vì vậy, người dùng có thể dễ dàng sử dụng các thao tác vuốt, chạm, thu nhỏ, phóng to các cửa sổ, đặc biệt là khi bạn chơi game cảm ứng, bởi số điểm chạm có thể thay đổi từ 5 lên tới 10 điểm. Nhờ đó, chiếc laptop màn hình cảm ứng không chỉ là một công cụ làm việc hiệu quả, mà còn là “món đồ trang sức” và phương tiện giải trí đầy hấp dẫn. Đó chính là lý do khiến nhiều người “kết” dòng sản phẩm này.
CÒN NHỮNG HẠN CHẾ
So với máy tính bảng thì việc người dùng có thể cầm, nắm, nâng, đỡ thoải mái và di chuyển bất cứ đâu, thậm chí "dốc ngược" thiết bị sao cho thuận tiện với thao tác trên mặt cảm ứng, với laptop màn hình cảm ứng, người dùng sẽ phải chịu một chút rắc rối trong các tư thế sử dụng. Lí do là chúng cồng kềnh, to gấp đôi máy tính bảng, chưa kể tư thế tay cũng phải hướng lên và hướng tới để chạm vào màn hình, khả năng bị mỏi tay dễ xảy ra, vì cũng không thể đặt màn hình xuống dưới đùi hoặc để trong lòng thời gian dài được.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác là các chi tiết khá nhỏ trên màn hình sẽ không thể dùng tay để chạm, vì có thể chạm vào vùng khác không như mong muốn. Lúc đó, bạn chỉ có thể dùng bàn di chuột hoặc chuột rời để di chuyển đến vị trí đó để chọn. Ngoài ra, laptop màn hình cảm ứng chỉ có thể tương thích tốt nhất với Windows 8 trở lên, còn với những hệ điều hành khác thì giao tiếp trực quan không được nhanh chóng và ổn định như khi dùng chuột và bàn phím. Bên cạnh đó, khả năng xoay trở, di chuyển hạn chế hơn so với laptop thông thường vì laptop màn hình cảm ứng thường nặng hơn một chút.
Giá cả cũng là một vấn đề, khi chi phí để sắm một chiếc laptop cảm ứng so với laptop “thường” có cùng cấu hình thường cao hơn từ 2 đến hơn 4 triệu đồng. Những sản phẩm hạng trung của Toshiba, Dell, HP, Lenovo, Asus thường được nhiều người lựa chọn. Hiện trên thị trường có một số mẫu laptop cảm ứng được ưa chuộng như: ASUS Vivobook S400, giá khoảng 14 triệu đồng/chiếc; Sony Vaio Fit 14E hỗ trợ màn hình cảm ứng đa điểm, giá khoảng 14 triệu đồng/chiếc; Sony VAIO SVF14217SGB, Lenovo Flex 14, giá khoảng 15 triệu đồng/chiếc; Laptop HP Pavilion TouchSmart 14-B151TU, giá khoảng 12,6 triệu đồng/chiếc; các dòng của series laptop ASUS X202E, giá rẻ hơn, khoảng 9 triệu đồng/chiếc.
Kinh nghiệm mua laptop màn hình cảm ứng

Khi mua laptop cảm ứng nên quan tâm đến màn hình, chỉ số cell, mAh của pin... và cả trọng lượng máy 

Nên chọn những sản phẩm công nghệ mới có trọng lượng từ 1kg đến 2kg; nên tránh những laptop cảm ứng có màn hình nhỏ. Ngoài ra, laptop màn hình cảm ứng thông thường có thời lượng pin ngắn hơn so với laptop màn hình “thường”. Do đó, khi mua máy tính, bạn nên chú ý đến chỉ số cell và mAh của pin laptop. Những laptop sử dụng pin 6 cell và 9 cell, có thời gian sử dụng khá lâu. Chỉ số mAh càng cao thì pin càng trữ được nhiều năng lượng và dùng laptop lâu hơn. Bạn nên lựa chọn những mẫu máy có dung lượng pin trung bình trên 2500 mAh.
Khi xác định dùng laptop cảm ứng thì bạn đã chấp nhận việc sẽ tiêu tốn pin nhiều hơn bình thường, pin sẽ mau hết hơn từ 30 phút đến 1 tiếng so với laptop thông thường. Càng sử dụng nhiều các tính năng giải trí cao như chơi game 3D, xem phim và nghe nhạc chất lượng cao… càng khiến thời gian sử dụng máy tính giảm đi nhanh chóng.
Các laptop đời mới được trang bị thêm kiến trúc bộ vi xử lý (CPU) mới nhất của Intel: Dòng Haswell (cao cấp nhất dòng Core i hiện nay) và Baytrail đều giúp tuổi thọ pin được cải thiện nhiều hơn, máy tính chạy mát và hệ điều hành mượt mà hơn.
Thông thường, với người làm văn phòng, chỉ cần sử dụng máy tính có khả năng xử lý tốt văn bản, duyệt web, in ấn… thì nên sử dụng chip tầm trung (lõi đơn hoặc lõi kép), với RAM tối thiểu 1GB, ổ cứng HDD từ 320GB trở lên, màn hình trung bình 14 inch hoặc nhỏ hơn tùy sở thích. Các laptop cảm ứng thuộc dòng chip Core i3 thế hệ mới có cấu hình tốt cùng khả năng xử lý nhanh đa tác vụ, rất thích hợp với dân văn phòng muốn trải nghiệm công nghệ cao hơn mà giá thành tương đối khiêm tốn so với các dòng Core i khác, trung bình từ 9 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Về hệ điều hành, tốt nhất chọn Windows 8 hoặc Windows 8.1.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm