Liên kết để học hỏi và chia sẻ

27/05/2016 - 08:00
Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ có việc làm, đem lại cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Y Tính, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, Kon Tum) vui mừng khoe: “Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa mới thành lập nhưng hoạt động hiệu quả, chị em phấn khởi lắm”.

Năm 2014, được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương hội, Hội LHPN tỉnh đã thành lập tổ liên kết nuôi heo sọc dưa cho 30 chị em tại xã Văn Lem. Trước khi cấp giống, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với trung tâm khuyến nông tỉnh và huyện Đăk Tô tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức, quản lý mô hình, kĩ thuật nuôi heo sọc dưa cho các chị em. “Từ trước đến nay, ở đây rất ít người nuôi heo sọc dưa. Khi được hỗ trợ 2 con: 1 con heo đực và 1 con heo nái để gầy đàn, mỗi chị đã làm chuồng trại ổn định, chăm sóc tốt nên heo phát triển lắm” – chị Tính cho biết.

 Thoát nghèo nhờ nuôi heo.

Như để minh chứng về những lời mình nói, chị Tính liền dẫn chúng tôi đi đến các thôn để mục sở thị. Nhà chị Y Thúy (35 tuổi), ở thôn Tê Rông, có 3 con heo ở trong chuồng trại sạch sẽ, được rào quanh bằng ván và lưới B40. Chị Thúy cho biết: “Ngoài cám gạo, tranh thủ những lúc đi làm mình hái thêm rau về nấu cho heo ăn thêm nên heo nhanh lớn lắm. Hi vọng lứa này heo sẽ đẻ được nhiều”. Cũng như chị Thúy, với chuồng trại được làm chắc chắn, sau một thời gian nuôi, heo nhà chị Y Tím ở thôn Tê Rông đã đẻ được 5 con. Đặc biệt, sau khi heo đẻ, chị Tím nuôi heo con đến lúc lớn và chuyển 2 con cho chị Y Mát cùng nuôi. “Mình chuyển heo để các chị khác cùng nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế. Với những con heo còn lại, mình sẽ tiếp tục chăm sóc để gầy giống” – chị Tím cho hay.

Hoạt động trong tổ nên trong quá trình nuôi, các chị thường cùng nhau đi đến từng nhà tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Chị Tính cho biết, ngoài việc chuyển lại 2 con heo con cho các chị em nghèo khác (sau khi heo đẻ lứa đầu tiên hoặc thứ hai), các chị trong tổ đã bàn với nhau sẽ bán heo con lại cho các chị em trong xã có nhu cầu nuôi với giá rẻ hơn để cùng phát triển chăn nuôi.

 Chăm sóc heo đúng kỹ thuật

Ngoài các tổ liên kết được TƯ hội LHPN Việt Nam hỗ trợ, nhận thấy việc phát triển mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thành lập các mô hình phù hợp với địa phương. Như xã Ia Ly (huyện Sa Thầy), dưới sự hướng dẫn của  hội LHPN xã, 4 chị em ở làng Tum đã mạnh dạn thành lập mô hình nuôi vịt siêu trứng. “Trước đây các chị cũng nuôi vịt nhưng nuôi nhỏ lẻ thôi. Thấy nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi thành lập mô hình. Từ lúc thành lập, cùng hỗ trợ nhau nên các chị mở rộng quy mô lớn hơn” – chị Phạm Thị Thi, phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ly cho biết.

Đúng như lời chị Thi, trước đây chị Trần Thị Thùy (1 trong 4 hộ thuộc mô hình nuôi vịt siêu trứng) ở làng Tum chỉ nuôi vài chục con cả gà, vịt để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Ngay khi tham gia vào mô hình, cùng các chị em chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi, có thêm kĩ năng, chị Thùy đã quyết tâm mở rộng chuồng trại. Cùng với đó, được hội LHPN xã hướng dẫn, chị Thùy đã mạnh dạn vay 30 triệu về mua giống gà, vịt. Chăm chỉ chăn nuôi, đến nay chị Thùy đã gây dựng được một trang trại với hơn 1 nghìn con vịt. Mỗi ngày bầy vịt đẻ được hơn 700 trứng đem lại cho chị thu nhập từ 1,7-1,8 triệu đồng. Ngoài việc nuôi vịt đẻ trứng, chị Thùy còn nuôi thêm gà thả vườn. “Nghề dạy nghề nên chị em chúng tôi thường xuyên họp để thông báo về tình hình gà, vịt trong chuồng cũng như chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh… Thỉnh thoảng chúng tôi lại hỗ trợ nhau về con giống, về vốn, tạo điều kiện cùng phát triển” – chị Thùy chia sẻ.

Bên cạnh mô hình về nuôi vịt siêu trứng, nhận thấy việc phát triển chăn nuôi heo, bò đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2012  hội LHPN xã Ia Ly hướng dẫn 16 chị em trên địa bàn xã thành lập mô hình phát triển chăn nuôi bò, heo, cá. Thời gian đầu tham gia, trong số 16 chị có 9 chị thuộc hộ nghèo. Sau một thời gian chăn nuôi cùng với việc làm thêm rẫy, đến nay đã có 8 chị thoát nghèo, nhiều chị khác vươn lên làm giàu. Chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Kiến Xương phấn khởi: “Gia đình tôi mới thoát nghèo năm 2014 thôi. Đến nay gia đình tôi đã có 40 con heo, 2 con bò, kinh tế đã ổn định hơn rất nhiều nên vợ chồng tôi mừng lắm”.

 Tổ liên kết nuôi vịt cũng đem lại hiệu quả

Không chỉ có Đăk Tô, Sa Thầy, tại các huyện khác, chị em phụ nữ cũng thành lập các mô hình phát triển kinh tế. Như mô hình nuôi heo trên nệm lót sinh học tại xã ĐăkUi (huyện Đăk Hà); trồng rau sạch tại Thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), xã Tân Lập, xã ĐăkPờ Ne (huyện Kon Rẫy), xã Đăk Kan, Đăk Dục, ĐăkNông (huyện Ngọc Hồi); trồng cà phê xứ lạnh tại xã ĐăkBLô (huyện Đăk Glei)… đã được thành lập và duy trì hiệu quả.

Việc thành lập các mô hình không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Thông qua đó cùng với các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn vay… đến nay toàn tỉnh đã có 5.880 chị thoát nghèo, giảm 15,78%/4 năm, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh đã đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm