pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liên tiếp các vụ bạo hành tại cơ sở chăm sóc trẻ: Giải pháp nào để ngăn chặn?
Bà B. có hành vi bạo hành trẻ em. Ảnh cắt từ clip
Những vụ việc đau lòng
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em. Mới đây, Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà T.T.B., chủ cơ sở trông giữ trẻ tại địa chỉ số 318/6/1B Lê Lợi, Phường 7, để xác minh, làm rõ vụ việc bạo hành trẻ em.
Trước đó, vào 20h30 ngày 7/12/2024, UBND Phường 7 (TP Vũng Tàu) nhận được thông tin từ công an phường về việc có 3 phụ huynh gửi trẻ tại địa chỉ số 318/6/1B Lê Lợi, tố cáo hành vi nghi vấn bạo hành trẻ em.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở trông giữ trẻ không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan. Do vậy, cơ quan chức năng đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động và mời chủ cơ sở làm việc.
Trong quá trình làm việc, bà T.T.B. khai nhận đã thực hiện hành vi thường xuyên dùng tay bịt mũi, vỗ vào miệng, mặt, đầu, giật tóc; dùng thìa ăn cơm, điều khiển tivi đập vào miệng các bé nhằm ép các cháu ăn, uống. Cơ quan chức năng cũng xác định, bà T.T.B. không có chuyên môn về sư phạm mầm non, tự nhận trông giữ trẻ.
Trong thời gian làm việc cho bà T.T.B., chị L. chứng kiến bà này thường xuyên dùng tay bịt mũi, vỗ vào miệng, mặt, đầu, giật tóc, dùng thìa ăn cơm, điều khiển tivi đập vào miệng các cháu để trẻ ăn nhanh hơn. Chị L. đã dùng điện thoại cá nhân quay lại sự việc.
Cơ quan chức năng xác định, hành vi của bà T.T.B. có dấu hiệu của tội "hành hạ người khác" quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào hồi tháng 9/2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) về tội "hành hạ người khác" theo Điều 140, Bộ luật Hình sự.
Theo đó, ngày 4/9/2024, ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về sự việc một số bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (địa chỉ số L50, L52, số 467, đường Tô Ký, khu phố 12, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi đánh đập, ngược đãi đối với các cháu bé đang được nuôi dưỡng tại nhóm trẻ này.
Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định, Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7/2023 do bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, trú tại quận Gò Vấp) là người đại diện theo pháp luật và trực tiếp quản lý cùng 12 nhân viên bảo mẫu, 2 nhân viên lái xe.
Tại thời điểm kiểm tra, có 86 cháu bé thuộc diện trẻ em mồ côi (từ 2 tháng đến 3 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại cơ sở, vượt quá số lượng cấp phép là 47 trẻ.
Qua thu thập tài liệu, chứng cứ và áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định, đến chiều 6/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý xác định 5 bảo mẫu tại cơ sở này có hành vi đánh vào cơ thể của nhiều cháu bé.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ trẻ em bị bạo hành diễn ra trong thời gian vừa qua.
Cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở chăm sóc trẻ
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Luật Trẻ em 2016 quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách từ cấp xã, phòng ngừa nguy cơ xâm hại từ sớm.
Tuy nhiên, trên thực tế, công chức lao động thương binh xã hội cấp xã được phân công vốn nhiều việc, thường xuyên quá tải, không đủ thời gian đảm đương nhiều nhiệm vụ giám sát. Do đó, việc có đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp rất cần thiết.
Đây là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, cộng đồng hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội. Cơ quan chức năng cũng tập trung giám sát các nội dung về cơ sở vật chất, hệ thống camera giám sát, chuyên môn, phẩm chất, tâm lý, tình yêu trẻ của người chăm sóc trẻ.
"Khi chứng kiến các dấu hiệu, nghi ngờ về các nguy cơ hoặc hành vi đang xâm hại, gây tổn hại cho trẻ em, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, chứng cứ đừng im lặng mà hãy chủ động, kịp thời lên tiếng.
Trẻ em nếu phải sống trong môi trường bạo lực, bị xâm hại, dù đó là bố, mẹ, người thân, người đang có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục mình, cũng cần tìm đến sự trợ giúp kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung cần phải được thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Quan trọng nhất vẫn là việc sàng lọc dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa vì nếu để xảy ra hậu quả rất đau lòng", ông Nam nói.
Bà Lê Thị Lương, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), cho biết, với nghề bảo mẫu, ngoài trình độ, kỹ năng thì cần phải yêu nghề, yêu trẻ mới vượt qua được áp lực của công việc. Những hành động bạo lực, xâm hại trẻ em không bao giờ được phép xảy ra trong một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
"Để ngăn chặn tình trạng này, các chủ cơ sở cần phải thường xuyên tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên, bảo mẫu, thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu", bà Lương cho hay.
Tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng môi trường an toàn cho trẻ
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng Luật sư Kết Nối), thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non, đặc biệt là các cơ sở mầm non tự phát, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Những nơi đáng lẽ phải là "ngôi nhà thứ hai" của trẻ lại trở thành nơi gieo rắc nỗi đau. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm các giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Dưới góc nhìn pháp lý thì chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện và kiên quyết hơn. Ông Hùng cho biết, Luật Trẻ em sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã quy định rõ các hành vi như xâm hại, bạo lực trẻ em thuộc nhóm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm cả việc lợi dụng hoạt động chăm sóc thay thế để xâm hại trẻ hoặc trục lợi từ chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em.
Bộ luật Hình sự hiện cũng quy định chế tài đối với hành vi bạo lực trẻ em. Cụ thể, tại Điều 140 về tội "hành hạ người khác" hay các tội "cố ý gây thương tích", "giết người"... Tùy thuộc theo tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả mà chúng ta áp dụng điều luật phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, đây là những quy định mang tính chất xử phạt hành vi đã để xảy ra hậu quả. Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non, đặc biệt là các cơ sở tự phát, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc quyết liệt từ Nhà nước và toàn xã hội.
"Chúng ta cần quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục, cơ sở vật chất đối với các mô hình chăm sóc trẻ, trường mầm non tư nhân. Các cấp chính quyền, cơ sở, địa phương cũng cần rà soát, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong việc mở, cấp phép, vận hành.
Nếu các cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì cần kiên quyết xử lý, bắt buộc chấm dứt hoạt động. Trong dài hạn, cần đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo giáo viên, nâng cao kỹ năng sư phạm và xử lý tình huống, đồng thời cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao vào lĩnh vực giáo dục mầm non.
Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền, nhà trường đến phụ huynh, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em.
Thiết nghĩ, trong tương lai, chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, quy tắc ứng xử, đào tạo, giáo dục dành cho giáo viên, người phụ trách cơ sở mầm non tư nhân, công lập để phù hợp với xu hướng, sự phát triển chung của xã hội", ông Hùng cho hay.