pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liên tiếp các vụ shipper bị hành hung: Dấu hiệu của xu hướng bạo lực xã hội đáng lo ngại
![Liên tiếp các vụ shipper bị hành hung: Dấu hiệu của xu hướng bạo lực xã hội đáng lo ngại](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/15/aaa-1739286700024-1739631154204606264779-0-59-338-600-crop-1739631159770761229439.jpg)
Đối tượng Tống Anh Tuấn - tài xế xe Lexus hành hung shipper - đã bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích
Xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Gần đây, hai vụ việc shipper bị hành hung tại Hà Nội và Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng mà còn bởi tính chất bạo lực bất thường.
Những vụ việc này không còn đơn thuần là các xung đột cá nhân mà có thể phản ánh một xu hướng đáng lo ngại về sự gia tăng bạo lực trong xã hội hiện đại.
Trao đổi với PV Báo PNVN, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ tội phạm học) cho rằng, về mặt bản chất, các vụ hành hung này là biểu hiện của sự leo thang bạo lực trong cách giải quyết xung đột giữa các cá nhân.
![](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/15/z6320305610635-22b70aa0cc9f0a84fba6368cc1673195-1739611382049400223782.jpg)
Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ tội phạm học
Ngày 14/2, Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tống Anh Tuấn (43 tuổi, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.
Tuấn bị cáo buộc đã dùng tay, chân, mũ bảo hiểm để đánh anh Nguyễn Xuân Hưng (người giao hàng) tại ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Hậu quả, anh Hưng bị chấn động não, tỷ lệ tổn hại thương tích là 3%.
Trước đó, tại Đà Nẵng, một nam shipper đã bị 3 đối tượng đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Cả 3 sau đó cùng bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, áp lực cuộc sống gia tăng và giao tiếp xã hội ngày càng thiếu sự gắn kết, bạo lực dễ dàng bùng phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt.
Điều đáng lo ngại là các hành vi này có xu hướng được "bình thường hóa" trong một bộ phận xã hội, đặc biệt khi chúng được lan truyền qua mạng xã hội mà không có phản ứng ngăn chặn kịp thời từ cộng đồng và chính quyền.
"Nếu các hành vi bạo lực này không được kiểm soát và xử lý nghiêm minh, nguy cơ gia tăng các hành động bạo lực tự phát trong đời sống hằng ngày là hoàn toàn có thể xảy ra, đe dọa đến sự ổn định của trật tự an toàn xã hội", ông Hiếu nhận định.
Tác động tiêu cực đến nhiều mặt của xã hội
Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, các vụ hành hung shipper nói trên có tác động tiêu cực đến nhiều mặt của xã hội, từ an ninh trật tự đến tâm lý cộng đồng.
Đối với ngành giao hàng, những vụ việc này làm gia tăng sự bất an trong đội ngũ shipper, vốn đã đối mặt với nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, lừa đảo và điều kiện làm việc thiếu an toàn.
Trong dài hạn, điều này có thể khiến một bộ phận lao động rời bỏ ngành, gây áp lực lên hệ thống giao nhận - vốn là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế số.
Đối với cộng đồng, những vụ việc bạo lực như vậy không chỉ gây tâm lý lo sợ mà còn làm giảm niềm tin vào môi trường sống an toàn, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông dân cư.
Mạng xã hội, với tốc độ lan truyền nhanh chóng, có thể góp phần khuếch đại tác động tâm lý tiêu cực, khiến các vụ việc nhỏ lẻ trở thành nỗi ám ảnh lớn hơn đối với công chúng.
Giải pháp ngăn chặn và vai trò của các bên liên quan
Theo ông Hiếu, để ngăn chặn các vụ việc tương tự, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Chính quyền và cơ quan pháp luật cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử văn minh trong xã hội. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực để răn đe và ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai.
Doanh nghiệp giao hàng cần đào tạo cho shipper các kỹ năng giao tiếp, xử lý mâu thuẫn trong công việc. Việc trang bị kênh hỗ trợ khẩn cấp hoặc cung cấp bảo hiểm cho shipper sẽ giúp họ yên tâm hơn trong quá trình làm việc.
Cộng đồng cần phát huy vai trò giám sát và phản ứng nhanh khi chứng kiến các hành vi bạo lực. Sự can thiệp kịp thời của những người xung quanh hoặc cơ quan chức năng có thể ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng ngay từ ban đầu.
Các vụ việc hành hung shipper không chỉ là những sự cố cá nhân mà còn là lời cảnh báo về những vấn đề xã hội sâu xa. Việc giải quyết tận gốc các vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ chính quyền, doanh nghiệp đến mỗi người dân. Chỉ khi tạo dựng được môi trường sống an toàn và văn minh, chúng ta mới có thể ngăn chặn triệt để các hành vi bạo lực, bảo vệ những người lao động trong xã hội và giữ gìn trật tự an ninh cộng đồng.
Trao đổi về vụ nam shipper bị hành hung tại Hà Nội, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi đánh người của đối tượng Tống Anh Tuấn (tài xế xe Lexus) là côn đồ, hung hãn, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Theo luật sư, trong trường hợp nạn nhân có thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là "có tính chất côn đồ" hoặc dùng hung khí nguy hiểm, với người không có khả năng tự vệ thì vẫn có thể xử lý hình sự người đàn ông đã đánh shipper về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, điều đáng chú ý khi shipper là người khuyết tật, chỉ có một bàn tay. Luật sư cho rằng, chi tiết này làm tăng tính chất nghiêm trọng của sự việc, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
![Liên tiếp các vụ shipper bị hành hung: Dấu hiệu của xu hướng bạo lực xã hội đáng lo ngại- Ảnh 2. Liên tiếp các vụ shipper bị hành hung: Dấu hiệu của xu hướng bạo lực xã hội đáng lo ngại- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/15/171020220950-luat-su-dang-van-cuong-17396115910691077428821.jpg)
Luật sư Đặng Văn Cường
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.