pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có thể làm tổn hại đến khả năng sinh sản
Thử nghiệm lâm sàng do Viện Nghiên cứu Y sinh của Đại học Monash (Úc) và Trung tâm Nghiên cứu Điều trị Ung thư Peter MacCallum thực hiện cho thấy, các chất ức chế kiểm soát miễn dịch (Immune checkpoint inhibitors – ICIs), một loại thuốc điều trị miễn dịch phổ biến, đã gây ra tổn thương vĩnh viễn cho buồng trứng và trứng lưu trữ bên trong.
Các liệu pháp điều trị ung thư truyền thống, như hóa trị và xạ trị, đã gây ra các tác dụng phụ không mong muốn lên buồng trứng, có thể dẫn đến khả năng vô sinh và mãn kinh sớm ở trẻ em gái và phụ nữ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cancer. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp miễn dịch ức chế điểm kiểm soát đã làm giảm số lượng và chất lượng trứng của bệnh nhân, cản trở quá trình rụng trứng và làm gián đoạn chu kỳ sinh sản.
Đến nay, liệu pháp miễn dịch này đang trở nên phổ biến trong việc điều trị bệnh ung thư nhờ làm tăng hệ miễn dịch, tuy nhiên các tác dụng phụ tiềm ẩn đối với khả năng sinh sản vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Các tác giả của báo cáo nhận định rằng họ cần tiến hành nghiên cứu ở các bệnh nhân nữ để kiểm chứng các phát hiện này. Bên cạnh đó, cần xem xét việc bảo vệ khả năng sinh sản thông qua trữ lạnh trứng hoặc phôi đối với những phụ nữ đang sử dụng các liệu pháp miễn dịch này.
Đồng tác giả nghiên cứu, bà Lauren Alesi, Phòng thí nghiệm Sinh học buồng trứng của Viện Nghiên cứu Y sinh, Đại học Monash, cho biết: "Ban đầu những phương pháp điều trị này được cho là ít gây tổn hại hơn (so với hóa trị và xạ trị) nếu chỉ xét đến các tác dụng phụ đối với cơ thể nói chung. Tuy nhiên, hiện nay có thể thấy được các tác dụng phụ gây viêm ở các hệ cơ quan khác là khá phổ biến khi sử dụng các loại thuốc này.
"Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân, những người quan tâm đến khả năng sinh sản cần phải thận trọng khi áp dụng phương pháp điều tị. Các nghiên cứu ở phụ nữ sử dụng các loại thuốc này cần phải được ưu tiên", bà Lauren Alesi cho biết.
GS Sherene Loi, chuyên gia về ung thư vú của Trung tâm Ung thư Peter MacCallum, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết cần có các nghiên cứu sâu hơn về tác động của các liệu pháp này đến chức năng của buồng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ đang sử dụng thuốc này cũng cần phải được ưu tiên và nên được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.
"Nghiên cứu của chúng tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng các trao đổi về khả năng sinh sản là rất quan trọng đối với tất cả phụ nữ ở mọi lứa tuổi, những người được khuyến nghị hóa trị cũng như tiếp nhận liệu pháp miễn dịch. Có thể thực hiện các biện pháp can thiệp thích hợp để bảo vệ khả năng sinh sản và chức năng buồng trứng để tạo điều kiện cho việc mang thai trong tương lai, sau khi hoàn thành việc điều trị ung thư. Các biện pháp can thiệp này phải được thực hiện kịp thời để không làm trì hoãn quá trình điều trị ung thư", GS Loi nói
Theo Sherene Loi, liệu pháp miễn dịch hiện đang trở thành một tiêu chuẩn chăm sóc cho nhiều bệnh nhân nữ bị ung thư vú giai đoạn đầu, nhờ vào kết quả ấn tượng trong việc giảm tái phát, nhưng tác dụng lâu dài của liệu pháp này cần phải được nghiên cứu thêm.
Theo bà Alesi, ngoài các loại thuốc ức chế gia tăng hormone trong quá trình hóa trị và các chiến lược ngăn ngừa mãn kinh sớm ở phụ nữ trẻ, khẳng định trữ lạnh trứng và phôi là biện pháp hữu hiệu để duy trì khả năng có con ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, trữ lạnh phôi rất tốn kém và không ngăn chặn được tổn thương buồng trứng. Điều này có nghĩa là mãn kinh sớm vẫn có thể là một nguy cơ đối với những bệnh nhân nữ.
"Do đó, chúng tôi đang ưu tiên nghiên cứu chuyên sâu các chiến lược bảo tồn buồng trứng có mục đích nhằm ngăn chặn nguy cơ tổn thương buồng trứng ngay từ đầu, mà không ảnh hưởng đến khả năng hiệu quả của thuốc điều trị ung thư", bà Alesi cho biết.