Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT”; trong đó, thực trạng phát triển số học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đến năm 2017, có trên 16 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm trên 93%. Đến năm 2018 và đặc biệt đến tháng 4/2019 có trên 17 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm hơn 94%.
Và như vậy là còn khoảng 6% nhóm đối tượng HSSV chưa tham gia BHYT, chiếm gần 1 triệu HSSV. “HSSV là một trong các nhóm đối tượng mà mục tiêu phấn đấu là phải đạt nhanh, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ đến 100% theo chỉ đạo Chính phủ cũng như theo mong muốn, những quyết tâm chính trị của cả hệ thống. Vì vậy, đây cũng là điều mà chúng tôi cũng đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Phạm Lương Sơn nói.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, tâm lý phổ biến của người trẻ hiện nay là cậy sức khỏe với tuổi trẻ cho nên là chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, những người xung quanh mình. Và chưa nhận thức được đầy đủ việc thực hiện các nguyên tắc của nguyên lý là “bảo hiểm khi khỏe, khi trẻ để hưởng thụ khi có tuổi, ốm đau bệnh tật”.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Phạm Lương Sơn, cần truyền thông làm sao để có một sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng hơn giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHYT cho bản thân và trách nhiệm với cộng đồng.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: HSSV là lực lượng nòng cốt, là thế hệ trẻ chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai, nếu không thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV, thì có một vấn đề cần phải xem xét là về rèn luyện tư tưởng tác phong của thế hệ trẻ còn hạn chế. Đặc biệt là nhận thức của các em về việc tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà nó còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ với cộng đồng và đối với xã hội.
Chỉ ra một trong những nguyên nhân tỷ lệ bao phủ BHYT với đối tượng HSSV tăng không nhanh, ông Bùi Sĩ Lợi phân tích: Theo quy định thì BHYT HSSV được chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc và theo hộ gia đình. HSSV chưa tham gia vì chính sách của chúng ta chưa cởi mở. Ví dụ, HSSV tham gia BHYT theo hộ gia đình được đảm bảo yêu cầu là người từ thứ 3 trong hộ khẩu trở đi là được giảm, và đến thứ 4, thứ 5 là hoàn toàn có thể được miễn giảm. “Đây là chính sách tốt, nhưng lại chưa thực hiện tốt chính sách này”, ông Lợi nói.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền giáo dục vận động trong nhà trường chưa tốt và chưa làm rõ cho HSSV biết được mục đích ý nghĩa quan trọng của tham gia BHYT, để chăm lo sức khỏe bản thân. Trong khi trên thực tế, đã có những HSSV đi khám bệnh chữa bệnh mà nhà nước, BHYT phải trả đến hàng tỷ đồng.
“Giáo dục tuyên truyền để cho HSSV làm chuyển biến nhận thức là những điều hết sức quan trọng và đây không phải là trách nhiệm cá nhân mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng”, ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Bổ sung thêm giải pháp phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Có hai cái yếu tố cần quan tâm, thứ nhất là làm sao để nâng cao nhận thức của HSSV lên trong việc tham gia vào BHYT trong xã hội hiện nay. Trước hết là tâm lý là cậy sức khỏe với tuổi trẻ cho nên là chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng những người xung quanh mình. Không thực hiện các nguyên tắc của nguyên lý là bảo hiểm khi khỏe bảo hiểm khi trẻ để hưởng thụ khi mà đã có tuổi và khi mà ốm đau bệnh tật.
Theo ông Sơn, vấn đề thứ hai là truyền thông làm sao để có một sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng hơn giữa cơ quan BHXH là tổ chức thực hiện với các cơ sở giáo dục.
"Đến 5/2009 cả nước có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT, tỉ lệ bao phủ là 89%. Các nhóm đối tượng là người lao động đã tham gia BHYT trên 90%. Nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội thì 100% đã tham BHYT với khoảng 3,1 triệu người có thẻ BHYT. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm có hộ cận nghèo, HSSV cũng đã có cái tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%. Nhóm hộ gia đình mà trước đây được tham gia BHYT dưới hình thức tự nguyện, từ ngày Luật BHYT sửa đổi năm 2014 chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức là hộ gia đình. Đến tháng 5/2019 đã có trên 17 triệu người tham gia". Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam |