pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lỡ một cuộc tình
Ảnh minh họa
Tôi đã đi tìm em qua bao nhiêu mùa thay lá, mà tin em vẫn ở phương trời nao. Mỗi mùa gió heo may, tôi lại tìm về nơi có biết bao kỷ niệm của ngày hai đứa yêu nhau. Vẫn còn đây những cây sấu già với thân hình xù xì khắc khổ, vẫn còn đây hàng phượng vỹ với tán lá xanh rì rầm, như muốn nói với tôi điều là em đã không trở lại trốn này.
"Ngày đó yêu nhau ta thường qua lối này", lời bài hát ở quán cà phê bên đường, đã đánh thức dòng suy tưởng của tôi. Để rồi như một thói quen, tôi lại lật từng trang lưu bút, trong đó có nhiều nét chữ thân thương của em. Tôi, một sinh viên Y khoa, với sức học vượt trội cộng với hình thức ưa nhìn nên được nhiều cô gái để ý. Chỉ có điều gia cảnh nhà tôi không cho phép mình được như các bạn khác, vì bố tôi mắc trọng bệnh, không có tiền chữa trị nên ông đã bỏ ba mẹ con tôi mà về với tổ tiên. Điều đó càng thôi thúc tôi phải cố gắng học tập, để sau này còn đỡ đần mẹ tôi và em gái. Đó là lý do khiến tôi thi vào ngành Y và tôi đã đỗ thủ khoa.
Tình yêu của tôi đối với em thật tinh khôi, đó là năm thứ 3 khi tôi và em cùng tham gia phong trào sinh viên tình nguyện hiến máu. Tôi là đội trưởng đội sinh viên tuyên truyền hiến máu, còn em học Sư phạm Văn năm thứ nhất, cũng rất nhiệt tình tham gia. Sau khi được khám và tư vấn, chúng tôi thấy em không được khỏe nên khuyên em để hôm khác hiến máu nhưng em cười hồn nhiên nói "em vẫn khỏe như voi"... Thế rồi, sau khi rút kim ra khỏi tay, em đã choáng và ngất xỉu. Chúng tôi ai cũng hốt hoảng, tôi đã bế em về phòng hồi sức, tuy nhiên em chỉ bị choáng nhẹ.
Sau này, chúng tôi quen và yêu nhau, em vẫn thường đùa đó là em thử thần kinh của các anh trường Y đấy thôi. Tình yêu của chúng tôi khiến nhiều người thầm ghen tỵ. Tuy không gặp nhau thường xuyên nhưng chúng tôi luôn dành cho nhau những khoảnh khắc đẹp nhất. Em hay viết tặng tôi những bài thơ tình và nói, ngành của anh chỉ có dao mới kéo, làm gì có mộng mơ. Nhưng tôi vặn lại: "Thế mà anh có cả tá thơ tình để đối lại em đó". Một chuyện không may đối với em đã xảy ra, đó là bố em cũng bị mắc bệnh trọng và đột ngột qua đời khi em đang học năm thứ 3. Mọi chuyện đối với em như sụp đổ. Hơn lúc nào hết, tôi lại là chỗ dựa, động viên em vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất.
Lúc này xem ra gia cảnh của em và tôi đều có phần giống nhau, đều mồ côi bố khi còn đang đi học, đều là anh chị cả trong gia đình. Có điều chúng tôi cùng tỉnh nhưng mỗi người ở một huyện, nhà cách nhau cũng vài chục cây số. Sau khi trải qua những ngày khó khăn nhất, em nói, nếu không có tôi bên cạnh, chắc em đã không vượt qua và đã bỏ học rồi. Cả mẹ em và mẹ tôi đều là những người phụ nữ hiền hậu thương chồng, thương con hết mực. Tôi luôn tự hứa với mình, sẽ cố gắng thật nhiều để bù đắp cho em.
Những ngày cuối cùng của thời sinh viên đã đến, tôi học hệ 7 năm thì tốt nghiệp. Còn em học 4 năm, vì em học sau tôi 3 khóa nên cả hai chúng tôi đều tốt nghiệp cùng nhau. Do có thành tích học tập tốt nên tôi được xếp vào diện được giữ lại trường công tác. Vì gia cảnh nên tôi tình nguyện về quê để được gần gia đình và cùng em công tác ở quê. Khi tôi đã ổn định công việc ở bệnh viện tỉnh, em vẫn gieo neo vì chưa xin được việc. Điều đó làm em rất buồn. Hôm đó là ngày giỗ bố em, tôi chuẩn bị đồ lễ, xin phép mẹ đi từ sáng sớm. Đây cũng là dịp để em giới thiệu tôi với họ hàng. Tưởng mọi chuyện êm xuôi, ai ngờ người mà em coi như cha của mình, lại ra sức ngăn cản tình yêu của chúng tôi. Đó là chú ruột của em. Chú là người mà mẹ con em có thể cậy nhờ, từ khi bố mất và ông có thể tìm kiếm cơ hội xin việc cho em. Em nghe theo lời chú cắt đứt quan hệ với tôi rồi lên vùng cao dạy học. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.
Tôi như suy sụp hoàn toàn, mẹ ra sức động viên, cuối cùng tôi lấy niềm vui trong công việc và tự hứa sẽ cố gắng để được gần em. Tôi chỉ thắc mắc một điều là tại sao chú lại có ác cảm với tôi. Những lần hiếm hoi tìm đến nhà em, được mẹ em tâm sự, tôi mới biết rõ lý do là ông ấy và bố tôi ngày xưa từng là tình địch. Vì vậy, ông đã tìm cách ngăn cản, chia rẽ chúng tôi.
Một hôm, tôi phải trực tiếp phụ trách ca mổ cấp cứu trường hợp tai nạn giao thông, phải truyền máu mà máu dự trữ của bệnh viện lại không trùng nhóm máu của bệnh nhân. Qua xét nghiệm người nhà, cuối cùng cũng có người đủ điều kiện để truyền máu. Có điều tim tôi như ngừng đập khi người cho máu lại chính là em, gương mặt em gầy, xanh xao, ngồi dựa bên người chồng. Em cũng giới thiệu tôi với chồng mình, người đàn ông nói tiếng phổ thông còn lơ lớ. Em nói chồng làm kinh tế ở nhà, còn mình đã gắn bó với mảnh đất ấy ngót 20 năm rồi. Cả tôi và em giờ đã có gia đình riêng. Tôi nhìn em xót xa mà không nói nên lời. Chú đã qua cơn nguy kịch, trên giường bệnh ông nhìn hai chúng tôi im lặng, nước mắt cứ chảy dài...
Nghe thím kể lại, sau khi nghỉ hưu, ông hay nhắc đến chuyện tình của 2 đứa và luôn thấy ân hận vì đã ngăn cản khiến em và tôi phải lỡ một cuộc tình.