pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lo phát sinh gian lận từ vật dụng thiết yếu được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29/6. Ảnh minh họa
Phát hiện nhiều phụ huynh, học sinh mua bán thiết bị công nghệ
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi với 2.273 điểm thi trên cả nước. Việc đảm bảo an toàn kỳ thi, đặc biệt là chống lộ lọt đề thi được Ban chỉ đạo thi các cấp đặt là nhiệm vụ hàng đầu.
Liên quan đến công tác chống gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, mới đây, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết, hiện nay, trên không gian mạng còn rất nhiều trang rao bán các thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục rà soát để xử lý.
Các thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi...
Đặc biệt, qua rà soát các hội nhóm trao đổi mua bán thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang có thể sử dụng gian lận kỳ thi thời gian qua, ngành công an đã phát hiện, xác minh làm rõ một nhóm có những hoạt động mua bán nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình liên lạc ngụy trang. Đối tượng mua thiết bị này qua đấu tranh khai thác có nhiều phụ huynh, học sinh.
Theo thiếu tướng Lê Minh Mạnh, phương thức thủ đoạn của gian lận thi cử không mới, chủ yếu sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình, thiết bị tai nghe thu nhỏ, thu phát sóng liên lạc trong - ngoài. Năm nay, qua đấu tranh cho thấy, cơ bản các đối tượng tự mua những thiết bị lẻ trên thị trường tích hợp thành những thiết bị thu phát sóng riêng phù hợp. Trên không gian mạng còn nhiều các trang rao bán thiết bị này. Thời gian tới ngành công an tiếp tục xác minh làm rõ xử lý theo quy định pháp luật đối với các hoạt động này.
Từ tình hình trên, Bộ Công an đã hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng công an địa phương công tác phát hiện ngăn chặn hoạt động có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng đề nghị các điểm thi, cán bộ coi thi chủ động phát hiện, kịp thời trao đổi với các cơ quan chức năng xử lý những tình huống phát sinh nếu có.
Lo phát sinh gian lận từ vật dụng thiết yếu được mang vào phòng thi
Trước thực tế trong các kỳ thi gần đây, tại Hà Nội đã phát sinh vấn đề thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng đặc biệt phục vụ sức khỏe thí sinh. Điều này đang khiến không ít người lo ngại trước khả năng có sự trà trộn thiết bị gian lận thi cử.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khi làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã bày tỏ: "Ví dụ máy trợ thính là thiết bị truyền, nhận thông tin có được phép mang vào phòng thi hay không? Nếu có, cách thức kiểm soát như thế nào bởi đây cũng có thể là những nguồn dễ phát sinh gian lận thi cử".
Về vấn đề này, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, với thí sinh không tự viết bài thi được, những thí sinh cần sử dụng vật dụng phục vụ sức khỏe như máy trợ thính, máy ghi âm… thì ngay từ khi làm thủ tục thi, cán bộ coi thi cần yêu cầu thí sinh đăng ký sử dụng, báo cáo, đăng ký với Hội đồng thi và thông qua lực lượng an ninh trường thi để có sự chuẩn bị, kiểm tra, hỗ trợ; tránh sự bị động, lúng túng trong xử lý vào buổi thi chính thức.
Để hướng dẫn cách nhận biết một số thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để gian lận thi cử trong các kỳ thi, Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội), chia sẻ, hiện những thiết bị gian lận mà công an thành phố đã phát hiện thì thường sẽ phải lắp kèm sim và tai nghe hạt đậu, thiết bị ghi hình ngụy trạng thì camera ngụy trang trên mắt kính, camera ngụy trạng dưới dạng bút viết, thắt lưng, khuy áo, trang sức ở cổ, đồng hồ đeo tay…
Thiết bị ngụy trang đều có điểm chung là có gắn camera siêu nhỏ để chụp đề thi ra ngoài. Camera siêu nhỏ không có màn hình để xem nên thí sinh sẽ phải chụp nhiều lần, giám thị dễ phát hiện nếu chú ý. Bên cạnh đó, những thí sinh này thường có những hành vi, trang phục bất thường, tóc trùm tai, trùm gáy, quần áo dài hay quan sát cán bộ coi thi, không tập trung làm bài, có hiện tượng đọc lẩm bẩm, phát ra tiếng nói…
Theo Thượng tá Ngô Xuân Hải, có hai phương pháp phát hiện thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi, đó là quan sát dấu hiệu bất thường bằng công nghệ AI và quan sát bằng mắt thường. Trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền cho thí sinh về quy chế thi, nhắc nhở, nghiêm cấm thí sinh không mang vật dụng không được phép vào phòng thi, đồng thời nêu rõ hậu quả nếu phát hiện thí sinh cố tình vi phạm.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận thi cử, Thượng tá Ngô Xuân Hải cho rằng giám thị cần liên tục tuyên truyền, nhắc nhở thí sinh trước khi làm bài thi về tính chất nghiêm trọng của việc lộ lọt đề thi do đề thi tốt nghiệp THPT thuộc tài liệu "tối mật", nếu ai cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
"Mặt khác, trong trường hợp phát hiện được thí sinh vi phạm, cán bộ coi thi cần lập tức thông báo cho cán bộ giám sát để báo cáo Trưởng điểm thi; yêu cầu thí sinh dừng làm bài thi, lập biên bản, thu hết thiết bị, niêm phong thiết bị. Trưởng điểm thi báo ngay với lực lượng công an để xử lý kịp thời, tránh trường hợp kết thức giờ thi mới thông báo dẫn đến thông tin đã tuyên truyền rộng rãi trên mạng", Thượng tá Ngô Xuân Hải đề xuất.