Lọc nước chạy thận nhân tạo theo qui trình nghiêm ngặt thế nào?

05/07/2017 - 16:52
Trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước có vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, để xây dựng một quy trình chạy thận thì người ta phải xây dựng quy trình lọc nước, với nhiều bước phức tạp. Vậy trước khi chạy thận, hệ thống lọc nước được xử lý như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết, trong hệ thống chạy thận nhân tạo thì nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi bệnh nhân. Vì thế, để xây dựng một quy trình chạy thận thì phải xây dựng quy trình lọc nước tinh khiết trước khi đưa vào sử dụng.

Thực tế, quy trình lọc nước tinh khiết chạy thận nhân tạo sẽ trải qua một quá trình phức tạp. Theo đó, nguồn nước đầu vào là nước máy. Hệ thống lọc cần phải xử lý sắt, clo tổng, mangan, asen, độ cứng... với nhiều bước. Cụ thể:

Nước được dẫn qua các cột lọc, gồm: Cột lọc đa tầng, chứa cát thạch anh, cát mangan. Cát thạch anh xử lý các chất cặn lơ lửng, có kích thước lớn. Cát Mangan hấp thụ ion kim loại lên bề mặt vật liệu, xử lý triệt để thành phần kim loại có trong nước.

Cột lọc thứ 2 là cột lọc than: Sử dụng nhiều loại than hoạt tính, với khối lượng riêng và diện tích tiếp xúc bề mặt lớn. Tại đây than sẽ hấp thụ Clo dư, các hợp chất hữu cơ khác có trong nước, đồng thời khử mùi.

Cột trao đổi ion: Tại đây các cation gốc Na sẽ trao đổi với các ion Mg2 , Ca2 , cation kim loại khác có hóa trị cao lên bề mặt của các hạt trao đổi, làm giảm độ cứng của nước. Do đó, nước đầu ra của cột này sẽ đạt tiêu chuẩn nước mềm.
a.jpg
Các bác sĩ kiểm tra hệ thống trước khi chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân

Lọc Cartridge: Kích thước các khe của lõi lọc này <5µm, sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các chất rắn lơ lửng phát sinh trong hệ thống nhằm bảo vệ an toàn cho màng lọc RO.

Màng lọc RO cấp 1: Áp dụng cơ chế thẩm thấu ngược, nâng hiệu suất lọc nước của màng lên tới 95%. Nguồn nước đầu ra của màng đảm bảo là nước tinh khiết. Độ dẫn điện của nước sau RO là 16µM/cm.

Màng lọc RO cấp 2: Xử lý triệt để sau RO cấp 1, đạt yêu cầu không có vi sinh vật trong trong nước cho hệ thống lọc thận. Sau lọc nước RO, độ dẫn điện của nước là 5µS/cm.

Giai đoạn khử trùng: Được thực hiện bằng hệ thống đèn UV hoặc máy tạo khí Ozone, có tác dụng diệt vi khuẩn phát sinh trong đường ống trước khi dẫn vào bồn chứa.

Sau đó qua lõi lọc xác khuẩn để loại bỏ xác của vi sinh vật đã được tiêu diệt ở giai đoạn khử trùng. Nước được dẫn vào bồn chứa và được truyền đi tới các máy chạy thận nhân tạo được đặt tại BV và tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân.

Trước đó, như PNVN đã đưa tin, trong quá trình chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình đã xảy ra tai biến làm 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành đã họp và thấy hệ thống lọc nước RO "có vấn đề". Sở Y tế Hòa Bình cũng đã đình chỉ 3 cán bộ của BV để điều tra. 

Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa Hòa Bình. 

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm