Khi cô để ý quan sát thì phát hiện con hay là cà, đi chơi, uống nước với bạn bè. Để cải thiện tình hình, cô “ra lệnh giới nghiêm” hạn chế các mối quan hệ xung quanh con gái. Hơn nữa, cô còn đến trung tâm mời gia sư về kèm cặp, dạy dỗ thêm cho con.
Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp vào buổi sáng con gái cô phải đến nhà cô giáo học vào buổi chiều, khi về nhà lại học cùng gia sư đến 9 giờ tối. Tuy thế, nửa năm trôi qua, lực học của cô bé vẫn không tiến triển, thậm chỉ nó ngày một giảm sút. Hôm vừa rồi, cô đưa con đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ kết luận cô bé bị mắc nhiều bệnh, viêm xoang, đau bao tử…
Chồng cô trước đây rất chiều con cái nhưng từ ngày bị bệnh u gan, anh bỗng đổi tính. Anh thường xuyên sai con hết việc này đến việc khác, có khi còn yêu cầu con bé phụ bán quán. Khi con không làm thì anh lớn tiếng mắng nó lười. Cả 2 vợ chồng cô trước đây chỉ học hết cấp 3 nên nguyện vọng của cô là cho con ăn học đến nơi đến chốn. Cô bảo: “Chẳng thà nhà em không có điều kiện mới phải bắt con làm. Nhưng tiền bọn em cũng kiếm được, việc gì làm được thì em làm, việc gì không làm được em mướn người để con em yên tâm học”. Vì khác suy nghĩ nên vợ chồng cô lục đục, con gái từ chỗ không biết nghe ai, cuối cùng chọn đứng về phía mẹ.
Thanh Tâm hỏi cô có thấy mệt mỏi không? Cô lập tức trả lời: “Có. Chị xem từ sáng đến giờ, em bao nhiêu việc, không lúc nào ngẩng mặt lên được. Giờ còn phải lo chuyện chồng con…”.
Đợi người phụ nữ đó than thở xong, Thanh Tâm mới phân tích cho cô mấy vấn đề. Thứ nhất, về sức khỏe của con gái, cô nên theo chỉ định của bác sĩ để cháu ngủ nghỉ, ăn uống đúng giờ. Cô không nên áp đặt các mối quan hệ xung quanh con, có chăng chỉ là phân tích để con bé hiểu việc gì nên, việc gì không nên làm. Cô cũng cần phải xem lại lịch học của con, học nhiều thời gian chưa chắc đã là tốt. Nếu cần, cô hãy trao đổi với con xem cháu đang gặp khó khăn ở đâu, hổng kiến thức ở chỗ nào thì bù vào chỗ đó. Khi chuẩn về kiến thức nền tảng, lúc đó mới nâng cao, mới nên học thêm.
Về quan điểm trong cách dạy con, cả cô và chồng không nên quá cứng nhắc. Ví dụ, chồng cô không nên sai vặt con vào những lúc cô bé đang tập trung học, không nên bắt con làm quá sức, quá nhiều. Thế nhưng, yêu cầu con làm các việc như rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, thậm chí bưng bê phụ giúp bố mẹ lúc cháu rỗi là điều hoàn toàn nên. Không phải vấn đề nhà không có điều kiện thuê người hay mẹ không thể làm giúp con… mà để con lao động sẽ giúp cháu có ý thức trách nhiệm và hoàn thiện hơn về kỹ năng sống. Hãy nghĩ đơn giản: Cho con làm việc là để con tăng tính chủ động, không bị bỡ ngỡ lúc xa nhà, tạo thiện cảm trong giao tiếp xã hội. Hơn nữa trong quá trình làm việc, con sẽ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, thương cha mẹ và biết đâu từ đó, cháu lại có động lực để phấn đấu vươn lên.
Cuộc điện thoại kéo dài và Thanh Tâm hy vọng rằng mình đã truyền tải cho người mẹ ấy một thông điệp về việc dạy con đúng cách.