pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lời nói của "nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga trước khi bị ám sát, 43 năm sau mới được kể
Nhắc đến cố nghệ sĩ Thanh Nga, ngoài hình ảnh "cây đa cây đề" của sân khấu cải lương với danh xưng "nữ hoàng sân khấu" thập niên 1960 - 1970, số phận bi thảm của bà đến nay vẫn gây ám ảnh với nhiều người.
Nghệ sĩ Thanh Nga qua đời ngày 26/11/1978, cách đây đúng 43 năm khi trên đường cùng chồng con trở về nhà sau khi kết thúc buổi diễn vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga. Khi ấy, gia đình bà bị 2 kẻ xấu tấn công, uy hiếp để bắt cóc cậu con trai nhưng bất thành. Sau đó, 2 tên này nổ súng bắn khiến chồng nghệ sĩ Thanh Nga chết gục tại chỗ, còn bà qua đời ở bệnh viện. Sự ra đi của nữ nghệ sĩ gây chấn động cả nước thời điểm ấy.
Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36 khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Năm 1984, bà được nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2015, tên bà được đặt cho một con phố tại Quận 9, TPHCM.
Nhiều năm sau, sự ra đi đột ngột của "nữ hoàng sân khấu" một thời vẫn được nhắc đến. Mới đây, trong một chương trình, NSND Bạch Tuyết đã có dịp kể lại những kỷ niệm về cố nghệ sĩ Thanh Nga, tiết lộ câu nói như dự báo về số phận của bà thời điểm ấy.
Theo đó, NSND Bạch Tuyết nhớ lại hành động kỳ lạ đến nay vẫn in sâu trong ký ức của bà mỗi lần nghĩ về cái chết thương tâm của đàn chị.
Đứng trước mộ cố nghệ sĩ Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết nói: "Mọi thứ vẫn in trong ký ức tôi, để mỗi khi hiện tượng nào đó bất chợt xuất hiện lại khiến tôi bứt rứt, bối rối, thậm chí đau đớn, không thể nào quên".
NSND Bạch Tuyết kể: "Tôi đang nhớ lại chuyện giữa tôi và chị Thanh Nga. Chị Thanh Nga mất ngày 26/11/1978, giữa đêm khuya. Vào 6 tháng trước đó, chị Thanh Nga nhờ cô Ngọc Nuôi tìm hộ một tượng Quan Âm để thờ Phật. Thế rồi, chị dựng lên một nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.
Trước đó, chị Thanh Nga chưa bao giờ nói về việc thờ Phật với mọi người nên ai cũng bất ngờ. Trước khi bị ám sát, chị Thanh Nga vẫn nói chuyện với tôi trước cửa rạp hát, tôi nhớ mãi những câu nói của chị.
Đặc biệt, vào buổi tối trước khi bị ám sát, chị Thanh Nga vẫn diễn vở 'Thái hậu Dương Vân Nga' và có những cử chỉ, hành động rất lạ. Chị chia phấn hồng vào từng túi rồi đưa cho các bạn vũ nữ trong đoàn và nói: 'Chút nữa mọi người đi hát với chị không? Mình cùng xuống hát cho ông Diêm Vương nghe nhé'.
Mọi người cười quá trời quá đất, cứ nghĩ đó là lời nói chơi thôi, ai ngờ sau đó lại xảy ra chuyện động trời.
Chị Thanh Nga vốn không bao giờ ra khỏi rạp hát cùng lượt với khán giả. Bao giờ chị cũng đợi mọi người về hết, rạp vắng tanh thì mới ra sau cùng. Nhưng tối hôm đó, chị Thanh Nga về rất nhanh, chen vào khán giả để đi. Rồi chị ra xe về nhà, để rồi bị ám sát ngay trước cửa. Sau khi nghe tin chị Thanh Nga bị ám sát, suốt 1 tuần trời người tôi cứ lơ lơ lửng lửng, không thể giải thích được. Tôi quá bức xúc, cứ hỏi tại sao số phận lại như thế".
Bức ảnh hiếm khi xưa NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Thanh Nga chụp cùng nhau.
NSND Bạch Tuyết cũng tiết lộ mẹ ruột của bà cùng tuổi với cố nghệ sĩ Thanh Nga. Cả 2 đều mất vào khoảng 11 giờ đêm vì bị tai nạn trên đường. Bà nghiệm ra rằng: "Hình như mỗi con người chúng ta khi đến với thế giới này đã có sẵn một cuộc hẹn là vào ngày đó, giờ đó phải đến chỗ này để lên chuyến tàu trở về nơi mình đã đến".
Nếu NSND Bạch Tuyết bị ám ảnh bởi câu nói của đàn chị trước lúc qua đời, thì con trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga in sâu những ký ức khi chứng kiến bố mẹ bị bắn trước mặt mình. Nghệ sĩ Hà Linh - con trai của "nữ hoàng sân khấu" - khi ấy mới 5 tuổi, đang ngồi cạnh mẹ trên xe, phía trước có bố đang lái xe và một vệ sĩ.
Hình ảnh gia đình cố nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng và con trai. Sau nhiều năm, Hà Linh vẫn không quên được đêm kinh hoàng khi mình mất cả bố và mẹ.
Thời khắc bị kẻ xấu dùng súng uy hiếp, Thanh Nga đã giấu con trai ra sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Nhớ lại câu nói trước lúc mất của mẹ, nghệ sĩ Hà Linh kể: "Chứng kiến bố tôi bị bắn, mẹ nói: 'Bố chết rồi, mẹ con mình chết theo bố thôi'".
Trong ký ức người thân, phía sau ánh hào quang sân khấu, nghệ sĩ Thanh Nga là người mẹ, người vợ đảm đang, hết lòng yêu thương chồng con. Hà Linh khi còn bé thường xuyên theo mẹ đi diễn. Lúc mẹ lên sân khấu, anh ở trong cánh gà chạy nhảy, nghịch ngợm đến mướt mồ hôi. Kết thúc đêm diễn về nhà thường là hơn 10 giờ tối, thay vì có thể tự tắm rửa cho sạch sẽ, anh vờ buồn ngủ để được mẹ cưng chiều.
"Mẹ rất mệt nhưng việc đầu tiên bao giờ cũng là lấy khăn mặt chườm nước ấm lau rửa cho tôi sạch sẽ, pha sẵn bình sữa để đầu giường rồi mẹ mới đi thay phục trang và lau son phấn". Theo lời Hà Linh, mẹ anh cưng con trai đến mức có lần anh bị cảm, bà sợ con đau nên dùng bông gòn để cạo gió thay vì thìa nhôm hoặc đồng bạc. "Lúc đó ở nhà ai cũng cười nhưng mẹ tôi bỏ qua hết bởi mẹ sợ tôi đau", con trai nghệ sĩ Thanh Nga kể.
Nghệ sĩ Hà Linh từng xuất hiện trong chương trình "Ký ức vui vẻ", kể lại những hình ảnh còn sót lại trong ký ức của mình về mẹ.
Trong một chương trình, nghệ sĩ Hà Linh tâm sự: "Đối với nhiều người, được sinh ra, được sống với bố mẹ một khoảng thời gian rất dài nên có quá nhiều thông tin để lựa chọn nhớ cái gì và không nhớ cái gì. Có nhiều chuyện, đôi khi họ còn quên. Nhưng vì tôi sống với bố mẹ được có 5 năm. Khi tôi 5 tuổi thì bố mẹ mất. Vì vậy, những gì có thể nhớ được, tôi đều ghi lại trong ký ức. Cho tới tận bây giờ, tôi thấy mọi thứ vẫn như ngày hôm qua.
Đôi khi, trong đầu tôi vẫn hiện lên những lời mẹ nói. Chẳng hạn, có lần mẹ bảo mua cho tôi chiếc xích đu. Lúc ấy tôi cứ nghĩ là đu trên dây trong rừng như Tazan, tôi sẽ đu trên cây mận ở nhà. Đến lúc mẹ mua về lại là chiếc xích đu khung sắt, có ghế buộc vào dây. Tuy không giống những gì mình nghĩ nhưng tôi vẫn rất vui.
Lúc đó tôi khoảng 4 tuổi. Nhiều người đôi khi không thể nhớ được thời 3, 4 tuổi bố mẹ mình nói gì, làm gì đâu nhưng tôi lại nhớ. Cảnh bố mẹ bị ám sát, đến giờ tôi vẫn nhớ như vừa diễn ra hôm qua thôi. Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, rất sợ. Mọi thứ đến giờ như một cuốn phim chiếu qua đầu tôi".