pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) 2025
![Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) 2025](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/18/quoc-hoi-17398620918892084965778-83-0-1645-2500-crop-17398620992361562310883.jpg)
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), chiều 13/2/2025. Ảnh: quochoi.vn
Luật Bình đẳng giới 2006 đã quy định bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật là một trong sáu nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.
Với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, việc đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) 2025 là một trong những nội dung cần được quan tâm, hoàn thiện.
Một là, tiếp tục ghi nhận nguyên tắc "Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật". Khoản 4 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã xác lập nguyên tắc "bảo đảm lồng ghép giới trong văn bản quy phạm pháp luật".
Đây là nguyên tắc quan trọng, đồng bộ với Điều 21 Luật Bình đẳng giới 2006 và Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 03/03/2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Việc tiếp tục ghi nhận nguyên tắc lồng ghép giới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) 2025 trong quy định về "Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật" là cần thiết.
Nếu không có những nguyên tắc chung về lồng ghép giới để tạo cơ sở xây dựng quy định chặt chẽ và tiến bộ hơn trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) thì sẽ không có cơ sở để thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực.
Do đó, cần quy định về lồng ghép giới trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ giai đoạn đề nghị xây dựng chương trình, phân tích chính sách đến giai đoạn soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua dự án, dự thảo văn bản là thủ tục bắt buộc.
Hai là, bổ sung nội dung đánh giá tác động giới trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng chính sách. Việc đánh giá tác động giới trong quá trình xây dựng chính sách là rất quan trọng vì trên cơ sở xác định vấn đề giới cụ thể và tác động của nó thì mới đưa ra được các chính sách để giải quyết vấn đề.
Như vậy, rõ ràng việc lồng ghép giới cần thực hiện ngay từ khâu đề xuất xây dựng chính sách, tuy nhiên Dự thảo Luật chưa làm rõ được nội dung này. Bên cạnh đó, cơ quan đầu tiên có trách nhiệm thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật phải là cơ quan trình chính sách, dự án văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm định mới có căn cứ đánh giá, xem xét. Hiện nay chỉ quy định vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp liên quan đến vấn đề giới nhưng trong hồ sơ không có nội dung này thì là một bất cập để các cơ quan liên quan thực hiện vai trò của mình.
Ba là, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong lấy ý kiến của Hội LHPN Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới trong chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh sự chủ động của Hội LHPN Việt Nam trong tham gia ý kiến, phản biện xã hội các vấn đề giới trong chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cần có trách nhiệm lấy ý kiến của Hội LHPN Việt Nam về vấn đề lồng ghép giới.
Đây cũng chính là thực hiện vai trò của Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước theo tinh thần của Nghị định 56/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam theo Quyết định 221-QĐ/TW ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị.
Bốn là, bổ sung các quy định liên quan quyền, trách nhiệm của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Việc tham vấn ý kiến của nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành chính sách nhằm góp phần đảm bảo dân chủ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc "lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật".
Bên cạnh đó, với vai trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân được quy định tại Hiến pháp 2013, cần bổ sung quy định liên quan đến truyền thông chính sách, nội dung dự thảo văn bản.
Trên cơ sở đó thực hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân, thành viên/hội viên thực hiện quyền làm chủ, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ngoài ra, bên cạnh sự chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia ý kiến, phản biện xã hội thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật cần có trách nhiệm lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngoài ra, dự thảo Luật trao quyền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội mà không đề cập đến quyền của các tổ chức chính trị-xã hội. Cần sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền phản biện xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm duy trì tính đa dạng trong các tiếng nói phản biện chính sách.
Đồng thời, phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Hội LHPN Việt Nam tham gia góp ý, phản biện xã hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) 2025
Trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và chủ động. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến của các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội, các chuyên gia, nhà khoa học,… về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới góc độ giới và ban hành 02 văn bản gửi Bộ Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý và phản biện xã hội đối với Dự án Luật này (Công văn số 4683/ĐCT-CSLP ngày 13/01/2025 về Góp ý Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp và Công văn số 4703/ĐCT-CSLP ngày 20/01/2025 về phản biên xã hội dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp).