Lớp học truyền đam mê cồng, chiêng cho thiếu nhi người Churu

17/01/2018 - 16:32
Nghệ thuật cồng chiêng đã tạo nên nét đặc trưng về văn hóa của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Hiện nay, ở mỗi dân tộc đều có các nghệ nhân tìm cách lưu giữ và phát huy văn hóa theo cách riêng của mình và người dân tộc Churu cũng vậy.

Tại thôn Diom A (Lạc Xuân, Ðơn Dương, Lâm Đồng) có một người tên Ma Bio, dân tộc Churu, bà nổi tiếng là nghệ nhân phục hồi, bảo tồn được vũ điệu cổ Tamya - Ariya - là điệu dân vũ có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa của người Churu. Nhiều năm qua, bà đã mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng.

Ma Bio (60 tuổi) là con gái út trong một gia đình có 6 anh chị em. Ngay từ nhỏ, bà đã được bố mẹ truyền dạy cho những điệu múa, cách đánh cồng, chiêng đặc trung của dân tộc mình. Lúc 8 tuổi bà đã biết múa, 10 tuổi bà biết đánh chiêng và mở lớp dạy vũ điệu Tamya – Ariya. Bây giờ bà còn lưu giữ 3 dàn chiêng có núm (mỗi dàn 3 cái chiêng): 1 dàn của bố mẹ để lại, 2 dàn bà lặn lội sưu tầm mua. Ngoài ra, dịp cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, bà được trao tặng thêm 6 cái chiêng.

Ngoài giàn trống, giàn chiêng thì bà còn nâng niu cất giữ thêm 6 chiếc kèn bầu. Nghệ nhân Ma Bio hào hứng khoe, bà mới vừa học thổi kèn bầu được 2 năm nay, và đã thổi được 2 bài. Chừng đó thời gian cho 2 bài hát, bà bảo công sức bỏ ra vẫn là xứng đáng. Bởi: “Một điệu nhạc truyền thống của người Chu Ru sẽ cần đến chiêng, kèn bầu và trống mới đầy đủ và trọn vẹn để múa. Trước giờ, mình chỉ chuyên đánh chiêng và múa, bây giờ phải biết thêm thổi kèn bầu để sau này còn dạy cho mấy đứa nhỏ. Cái này học lâu lắm, vì mình vừa phải thuộc bài hát, vừa phải biết điều chỉnh hơi và tay bấm. Phải cần đến nhiều năm mới học hết được 5- 6 bài.” - Bà chia sẻ.

Để gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc Churu, năm 2007, bà mở lớp dạy múa, đánh cồng chiêng cho 10 em trong làng, dần dần tăng thêm 28 em và nuôi một đội cồng chiêng khoảng 15 người để đi biểu diễn các nơi. Cùng với sự giúp sức của ngành văn hóa địa phương, hiện nay mỗi khóa học 20 đêm, mỗi đêm 2 giờ nhưng thường kéo dài thời gian đến khuya. Khóa học vừa kết thúc tháng 10 vừa qua, bà đã dạy 36 em từ lớp 1 đến lớp 7 đã được học cả thổi kèn, cả múa, cả đánh chiêng.

a1.jpgNghệ nhân Ma Bio nổi tiếng là người truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ Churu 

Nghệ nhân Ma Bio tự hào khoe rằng: “Sau mấy tháng, bây giờ tụi nhỏ đã có thể tự biểu diễn thành thạo bằng niềm say mê và yêu thích. Ban ngày mình lo làm kinh tế, còn buổi tối mình truyền dạy cho các cháu nhỏ. Đâu có ảnh hưởng gì mà phải cân đo tính toán”.

Theo nhận xét của anh Ya Kiệm - Trưởng thôn Diom A (Lạc Xuân, Ðơn Dương, Lâm Đồng): Khó khăn nhất là bây giờ là mấy đứa nhỏ nghe nhạc trẻ nhiều quá, không mấy em chăm nghe nhạc truyền thống của dân tộc mình nên không có hứng thú, say mê như ông bà, cha mẹ chúng đã từng một thời say mê. Lớp học đã phần nào giúp giữ gìn và phát huy truyền thống vốn có của dân tộc.

Tiếng lành đồn xa, dần về sau lớp học được nhiều nghệ nhân khác tham gia giảng dạy như nghệ nhân Ya Hing, bà Ma Công. Đến lớp, họ  thổi vào tâm hồn trẻ thơ những bài hát kể về chuyện mài đá lấy lửa, câu chuyện về người con đi tìm người bố đi săn; câu chuyện về em bé bụng to;hay bài hát về cô gái nhỏ,...

Cứ thế, mỗi điệu múa, mỗi bài hát của người Churu đều có một ý nghĩa riêng, dành cho những dịp khác nhau, và đều gắn với một câu chuyện. Từng tiếng cồng, tiếng chiêng góp phần nuôi lớn tâm hồn bao trẻ thơ nơi đây.

Và vui hơn nữa khi ông mặt trời lặn sâu cũng là lúc khoảng sân trước ngôi nhà truyền thống được bà Ma Bio giữ lại là nơi các em nhỏ lại tụ tập ngày một đông hơn, tiếp tục “thổi lửa” văn hóa Churu bùng cháy mạnh mẽ.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm