pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lựa chọn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đúng chuyên ngành hạn chế rủi ro biến chứng
Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ là chuyên ngành làm đẹp có tốc độ phát triển mạnh, đặc biệt là các nước châu Á. Giờ đây, dân tình cũng đón nhận cụm từ này như một khái niệm thân thuộc như skincare. Nhu cầu làm đẹp tăng dẫn đến nguồn cung cũng kéo theo tăng mạnh. Song vẫn còn đâu đó nhiều nơi làm biến tướng đi mục đích cơ bản của phẫu thuật thẩm mỹ mà nảy sinh ra nhiều sự cố biến chứng "dở khóc dở cười".
Nếu như các biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ không can thiệp tới xương nhiều như nâng mũi, độn cằm tương đối đơn giản và hầu như tại cơ sở bệnh viện thẩm mỹ nào cũng có thể thực hiện được thì các phương pháp làm đẹp can thiệp tới cấu trúc xương lại khác.
Phẫu thuật chỉnh hình tới xương yêu cầu trang thiết bị máy móc tối tân và các bác sĩ thẩm mỹ chuyên ngành sâu.
Do đó, các thông tin về việc lựa chọn bác sĩ chuyên khoa sao cho phù hợp chưa được tiếp cận nhiều tới hội chị em đam mê làm đẹp. Hiện nay, các đối tượng có nhu cầu làm đẹp mà phải can thiệp tới phần xương có thể kể đến nhóm người bị hô, móm hay gò má cao, cằm vuông,... Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi đối tượng mà nhóm bác sĩ cũng được phân chia đúng chuyên môn.
Tương ứng các phẫu thuật đó cũng sẽ có 2 nhóm chuyên ngành có thể phẫu thuật xương hàm mặt:
Nhóm 1: Bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ
Đây là nhóm bác sĩ đa khoa, sau đó học chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Có một số bác sĩ còn học thêm chuyên khoa định hướng răng hàm mặt.
- Ưu điểm: có thế mạnh kiến thức tỷ lệ thẩm mỹ nhất là vùng mặt, có thể thực hiện đồng thời xương mặt và can thiệp phần mềm: mí mắt, mũi, cằm, cấy mỡ.
- Nhược điểm: chỉ có kiến thức về răng cơ bản nên việc chỉnh nha cần thêm 1 bác sĩ chỉnh nha để lên kế hoạch và điều trị nha sau này.
Nhóm 2: Bác sĩ chuyên ngành răng hàm mặt có học thêm chứng chỉ định hướng thẩm mỹ hoặc không
- Ưu điểm: có kiến thức cơ bản về xương, răng hàm mặt, kiến thức về khớp cắn nên có thể lên kế hoạch cho việc phẫu thuật hàm hô, móm 1 cách thuận tiện (dù việc chỉnh nha sau này vẫn cần phối hợp thêm bác sĩ)
- Nhược điểm: định hướng thẩm mỹ còn hạn chế (chuyên về xử lý bệnh lý hơn), nên các yếu tố về tỉ lệ ngũ quan gương mặt sau phẫu thuật có thể không được cân đối. Đồng thời, họ không can thiệp được các vùng khác trên gương mặt (mắt, mũi, cấy mỡ…) nên sẽ không đạt được kết quả tối đa trong cùng 1 cuộc phẫu thuật.
Như vậy, để tạo ra khuôn mặt đẹp không chỉ đơn thuần là cắt, gọt xương thông thường mà liên quan đến quá trình điêu khắc xương mặt và phẫu thuật ngụy trang (nâng mũi, cắt mí, cấy mỡ…). Điểm mấu chốt của việc can thiệp hàm hô, móm là chức năng ăn nhai sau này và tạo hình thể khuôn mặt cải thiện hơn so với trước. Nếu bạn mong muốn có một gương mặt hoàn hảo hơn, cần can thiệp ngụy trang thêm (nâng mũi, cắt mí, cấy mỡ…).
Phẫu thuật xương hàm đem tới diện mạo nữ tính, hài hòa và đặc biệt là giữ được trọn đời.
Hiện nay, quá trình chăm sóc hậu phẫu của phẫu thuật xương hàm đã có liệu trình giảm đau chuyên biệt, hầu như bệnh nhân không có cảm giác đau gì sau hậu phẫu. Việc ăn uống, sinh hoạt lại sau phẫu thuật hàm diễn ra chỉ vài tuần.