Luật sư bảo vệ cho 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt: Hành vi của bị can đặc biệt nghiêm trọng

Đinh Thu Hiền
08/04/2025 - 21:50
Luật sư bảo vệ cho 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt: Hành vi của bị can đặc biệt nghiêm trọng

Bị can Nguyễn Đắt Vũ. Ảnh: CALĐ

Đó là ý kiến của các luật sư: Đào Thị Bích Liên, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu và Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, về vụ án Nguyễn Đắt Vũ xâm hại tình dục 7 chú tiểu tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

"Ngay khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, chúng tôi hết sức bàng hoàng và phẫn nộ", 3 luật sư đưa ý kiến.

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, hành vi bị tố cáo trong trường hợp này đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm thô bạo thân thể, danh dự và nhân phẩm của trẻ em mà còn hủy hoại niềm tin của các em vào môi trường mà lẽ ra phải là nơi an toàn và tin cậy nhất. 

"Về mặt pháp lý, dấu hiệu cấu thành tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự khá rõ. Về mặt xã hội, đây là hồi chuông cảnh báo về việc cần tăng cường giám sát đối với các cơ sở có yếu tố tu tập kết hợp nuôi dạy trẻ. Chúng tôi ủng hộ việc xử lý nghiêm minh hành vi trái pháp luật này để đảm bảo công lý cho trẻ em, đồng thời răn đe và phòng ngừa chung đối với những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai", luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.

Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết: "Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can Nguyễn Đắt Vũ theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Quyết định này thể hiện sự nghiêm túc và kịp thời của cơ quan điều tra trong việc xử lý hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bước quan trọng tiếp theo là đảm bảo một quá trình xét xử khách quan và công bằng. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên liên quan và việc thu thập chứng cứ phải chính xác và đầy đủ. Đặc biệt, trong vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, việc đảm bảo quyền lợi của các bị hại là vô cùng quan trọng, nhất là khi các bị hại là trẻ em dưới 16 tuổi".

Còn luật sư Đỗ Ngọc Thanh lập luận: "Hành vi của bị can có dấu hiệu cấu thành tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo Điều 142 Bộ luật Hình sự, với nhiều tình tiết tăng nặng như: thực hiện nhiều lần, nhiều nạn nhân, lợi dụng hoàn cảnh phụ thuộc... Ngoài ra, những dấu vết thương tích trên cơ thể một số cháu được chụp hình lại cho thấy cần mở rộng điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích" hoặc "hành hạ người dưới 16 tuổi" nếu có".

Luật sư Thanh cũng cho rằng, nhiều trao đổi của các chú tiểu cùng người giám hộ cho thấy khả năng số nạn nhân không chỉ dừng lại ở 7 cháu như ban đầu. Một số cháu đề cập đến việc "tất cả đều bị", hoặc "các em nhỏ hơn cũng bị sư phụ gọi lên phòng", thậm chí có em nói đến việc "bị gần 30 lần", cho thấy đây có thể là hành vi mang tính hệ thống, kéo dài. 

"Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị Cơ quan CSĐT công an tỉnh Lâm Đồng cần mở rộng điều tra, rà soát toàn bộ trẻ em từng sống, học tập tại cơ sở T.T để đảm bảo không bỏ sót nạn nhân nào, đồng thời tránh nguy cơ tái diễn", luật sư Thanh đưa ý kiến.

Luật sư bảo vệ cho 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt: Hành vi của bị can đặc biệt nghiêm trọng- Ảnh 1.

Các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chú tiểu trong vụ án, từ trái qua: Đào Thị Bích Liên, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu và Đỗ Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC

Bàn luận về việc quản lý các cơ sở tôn giáo và nuôi dưỡng trẻ, luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu nói: "Qua sự việc này, chúng tôi thiết nghĩ, cũng cần làm rõ trách nhiệm quản lý của cơ sở tôn giáo nơi vụ việc xảy ra. Bởi vụ án này có quá nhiều yếu tố đáng chú ý: số lượng nạn nhân nhiều (ít nhất 7 em); các em đều là trẻ em dưới 16 tuổi; hành vi lặp đi lặp lại trong thời gian dài mà không bị tố giác; có dấu hiệu đe doạ, cưỡng ép, lợi dụng quyền lực (vị trí "sư phụ") để ép buộc; một số em có biểu hiện tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần… Do đó, cần điều tra làm rõ trách nhiệm của những người quản lý khác, nếu có người bao che hoặc không tố giác tội phạm, cần đề nghị truy tố để nghiêm trị".

"Các cơ sở tu tập cũng cần có các quy trình rõ ràng khi tiếp nhận trẻ em, đảm bảo các em được đối xử công bằng, được bảo vệ về mặt thể chất và tinh thần. Trẻ em dưới 16 tuổi dễ bị tổn thương bởi các hành vi xâm hại tình dục và các cơ sở giáo dục tôn giáo cần phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên sâu về bảo vệ trẻ em và tư vấn tâm lý. Việc thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ tâm lý phù hợp có thể dẫn đến những tổn thương sâu sắc đối với các em. Vụ án này cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em để giám sát và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở tôn giáo. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình trạng của trẻ em và giám sát các cơ sở này một cách thường xuyên và nghiêm ngặt hơn".

Còn luật sư Đỗ Ngọc Thanh thì nhận định: "Có thể thấy vấn đề quan trọng là sự thiếu vắng hành lang pháp lý và cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ em ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, từ thiện. Nhiều nơi hoạt động thiện chí, góp phần chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng lại chưa có sự giám sát đồng bộ từ phía cơ quan chức năng. Điều này vô tình tạo ra những "khoảng trống" pháp lý dễ bị lợi dụng nếu thiếu minh bạch và trách nhiệm".

Luật sư bảo vệ cho 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt: Hành vi của bị can đặc biệt nghiêm trọng- Ảnh 2.

Cơ sở T.T nơi diễn ra vụ án. Ảnh: LST

Cả 3 luật sư: Đào Thị Bích Liên, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu và Đỗ Ngọc Thanh đều chung ý kiến rằng, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM hiện đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, gia đình các nạn nhân và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để hỗ trợ cho các em ở cả 3 phương diện: pháp lý, tâm lý và đời sống. 

Các em sẽ được các Luật sư thuộc Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM bảo vệ quyền và lợi hợp pháp trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Ngoài ra, các luật sư sẽ theo dõi và giám sát tiến trình vụ án, đảm bảo rằng các thủ tục pháp lý được thực hiện đầy đủ và đúng đắn.

"Về mặt pháp lý, chúng tôi đã và đang tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân, kiến nghị điều tra mở rộng nếu cần, đồng thời bám sát quá trình tố tụng nhằm đảm bảo tính khách quan, bảo vệ chặt chẽ nguồn chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật. Về phương diện tâm lý, chúng tôi đã và đang phối hợp với phụ huynh, tạo môi trường an toàn và thân thiện nhất để trấn an, đồng hành, xoa dịu trong khi vẫn đang nỗ lực liên hệ các chuyên gia để hỗ trợ các em sớm ổn định tinh thần, đặc biệt là những em có dấu hiệu hoảng loạn, trầm cảm hoặc khủng hoảng cảm xúc. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang vận động để đảm bảo các em được tiếp tục học tập, sinh hoạt trong môi trường an toàn trong khi chờ đợi một phương án sắp xếp hợp lý nhất cho các em trong giai đoạn tiếp theo", các luật sư trao đổi cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam ngay khi có buổi làm việc tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng ngày 4/4/2025.

* Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, 7 trẻ em được các gia đình gửi vào cơ sở T.T ở TP Đà Lạt để tu tập đã bị một "sư phụ" xâm hại tình dục nhiều lần. Vụ việc chỉ bại lộ khi có một chú tiểu đã vào tuổi trưởng thành đứng ra tập hợp bằng chứng và tố cáo. 

Ngay khi nhận được tin báo của các bị hại, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã tiếp cận và trao đổi với một số nạn nhân cùng người giám hộ tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi cũng đã có các kết nối để Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM và Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng vào cuộc để thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý cũng như các trợ giúp khác cho các nạn nhân.

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin tiếp theo của vụ án này tới bạn đọc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm