pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luật sư: Người dân nên tự mình làm hồ sơ mua nhà ở xã hội

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến chủ đề trên.
PV: Xin Luật sư cho biết các quy định mới nhất về việc mua nhà ở xã hội hiện nay?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay Chính phủ đã ban hành các quy định rất rõ ràng về điều kiện mua nhà ở xã hội, trong đó có các tiêu chí về đối tượng được mua nhà ở xã hội, điều kiện nhà ở, điều kiện thu nhập, và cụ thể là Căn cứ theo Điều 76, 78 Luật Nhà ở 2023, Điều 29 và Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
Những người có nhu cầu đăng ký mua nhà ở nên tìm hiểu những quy định tại các văn bản này để nắm rõ các tiêu chí phù hợp với mình. Từ các quy định cụ thể trong các văn bản đó, các cá nhân muốn mua nhà ở xã hội sẽ nắm rõ được các quy định cũng như những tiêu chí phù hợp với điều kiện của mình để thực hiện việc làm hồ sơ cho phù hợp.

Nhiều người dân chưa nắm rõ về thủ tục làm hồ sơ mua nhà ở xã hội
PV: Hiện nay có rất nhiều người quảng cáo dịch vụ làm hồ sơ mua nhà ở xã hội với mức phí từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/hồ sơ, theo Luật sư thì người dân có nên sử dụng các dịch vụ này hay nên tự làm hồ sơ?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Việc quảng cáo làm dịch vụ tư vấn lập hồ sơ mua nhà ở xã hội cũng là một nhu cầu phổ biến hiện nay, có thể những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, họ muốn sử dụng dịch vụ để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu họ có thể thu xếp thời gian và công sức tìm hiểu các quy định mua nhà ở xã hội là điều tốt nhất.
Bởi lẽ, việc mua nhà xã hội là có các quy định rõ ràng, đối tượng nào đủ điều kiện, đối tượng nào không đủ điều kiện, và bản thân những người dân là nắm rõ nhất, chẳng hạn như mức thu nhập của họ là bao nhiêu, đang sở hữu những tài sản gì, với các điều kiện đó họ có thể được duyệt hồ sơ sau khi nộp hay không, thì bản thân họ biết rõ nếu như họ tự làm hồ sơ.
Trong trường hợp họ ủy thác cho một tổ chức, một cá nhân đứng ra làm hồ sơ thay họ, thì có thể hồ sơ đó không chính xác, hoặc cố ý cho đủ điều kiện, nhưng khi ra cơ quan chức năng xem xét, họ lại không đủ điều kiện. Hồ sơ sẽ bị loại và phần thiệt thòi sẽ thuộc về họ, bởi trước đó đã chi một khoản kha khá cho khâu làm dịch vụ.

Điều 76 và khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Việc làm hồ sơ mua nhà xã hội không quá phức tạp, bởi cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, các mẫu hồ sơ rất rõ ràng. Với những trường hợp cảm thấy quá khó, thì rất có thể là do họ không đáp ứng các điều kiện theo quy định, nếu dùng đến dịch vụ tư vấn làm giúp, thì có thể hồ sơ đó có dấu hiệu thiếu minh bạch.
Và khi những người dân tự đi làm hồ sơ, họ không chỉ đỡ tốn chi phí, mà còn hiểu rõ các quy định của pháp luật về việc mua bán, sử dụng nhà ở xã hội, giúp ích cho việc quản lý và sử dụng nhà sau này.
PV: Hiện nay có một số người dân lo lắng rằng hồ sơ mua nhà xã hội của họ đã làm và nếu như không bốc thăm được suất mua nhà, sau khi sáp nhập xã phường thì hồ sơ đó còn có hiệu lực hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường có thể khiến nhiều người lo lắng về hiệu lực của hồ sơ mua nhà ở xã hội đã nộp trước đó. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc thay đổi tên đơn vị hành chính không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của các giấy tờ đã được cấp trước đó.
Cụ thể, theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024, khi có sự thay đổi về tên đơn vị hành chính do sáp nhập hoặc điều chỉnh địa giới, thông tin trên các giấy tờ liên quan sẽ được cập nhật tương ứng. Điều này đảm bảo rằng các hồ sơ, giấy tờ đã nộp trước đó vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp lý.
Do đó, nếu người dân đã nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội trước khi diễn ra việc sáp nhập xã, phường, hồ sơ vẫn có giá trị và sẽ được xem xét bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin chính xác và cập nhật, người dân nên liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng hoặc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để xác nhận và cập nhật thông tin nếu cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Điều kiện được mua nhà ở xã hội
Điều 78 Luật Nhà ở 2023, Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, điều kiện để được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội như sau:
(1) Điều kiện về nhà ở
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó.
- Chưa được mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội.
- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án xây dựng nhà ở xã hội
- Nếu đã có nhà thuộc sở hữu của mình tại nơi có dự án nhà ở xã hội thì nhà phải có diện tích bình quân đầu người là 15m2 sàn/người.
- Trường hợp là những người đang trong quân đội, công chức, viên chức… thì phải không đang ở nhà công vụ.
(2) Điều kiện về thu nhập
- Đối với đối tượng theo thứ tự 4, 5, 7:
+ Trường hợp còn độc thân: Thu nhập thực nhận hàng tháng không quá 15 triệu đồng/tháng.
+ Trường hợp đã kết hôn: Tổng thu nhập thực nhận hàng tháng của cả 02 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng. (Thu nhập được tính theo Bảng tiền công, tiền lương do nơi làm việc xác nhận)
- Đối với đối tượng 6:
+ Trường hợp còn độc thân: Thu nhập thực nhận (bao gồm cả lương và phụ cấp) không quá tổng thu nhập của sĩ quan hàm Đại tá
+ Trường hợp đã kết hôn:
Nếu cả 2 vợ chồng đều thuộc lực lượng vũ trang: Tổng thu nhập (bao gồm cả lương và phụ cấp) thực nhận hàng tháng không quá 2 lần tổng thu nhập của sĩ quan cấp hàm Đại tá.
Chỉ 1 người thuộc lực lượng vũ trang: Tổng thu nhập thực nhận hàng tháng của 2 vợ chồng không quá 1,5 lần tổng thu nhập của sĩ quan cấp hàm Đại tá (bao gồm cả lương và phụ cấp).
- Trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị thì phải chứng minh là thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.
- Trường hợp là người lao động không có hợp đồng lao động: UBND xã đứng ra xác nhận điều kiện thu nhập.