pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luật sư nói về vụ khênh quan tài diễu phố tại TPHCM: Xử lý hình sự là chính xác

Các đối tượng khênh quan tài diễu phố rồi quay clip lại đăng mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Trước đó, Hồ Ngọc Tuấn, sinh năm 2000 ngụ tại tỉnh Long An, kết hợp với Nguyễn Văn Quyết, sinh năm 1995 và Vũ Thị Thanh Xuân, sinh năm 1995, cùng ngụ Q.12, TPHCM, để bán quần áo thời trang trên nền tảng xã hội Tiktok. Để thu hút người xem, Tuấn nghĩ ra việc quay clip với nội dung 4 người mặc áo do Tuấn thiết kế khiêng quan tài diễu phố rồi đăng trên trang Tiktok "NerverGG".
Để thực hiện ý tưởng này, Tuấn đến Trại hòm Nhạn Bảo Thọ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, mua một quan tài, thuê sơn lại quan tài bằng màu đen và thuê 4 người khác để khiêng quan tài cho Tuấn quay clip. Tuấn cũng thuê studio, mẫu ảnh để chụp hình quảng cáo và thuê người quay clip khiêng hòm.
Ngày 25/2/2025, các đối tượng khiêng quan tài đi bộ dưới lòng đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1, hướng ngược chiều ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, rồi khiêng quay về vị trí ban đầu. Thấy còn chưa đủ, Tuấn quyết định đưa quan tài đến trước chợ Bến Thành, Q.1, để quay clip tiếp. Tại đây, các đối tượng khiêng quan tài đi bộ dưới lòng đường Lê Lai hướng về giao lộ Lê Lai - Trần Hưng Đạo, băng qua đèn xanh đèn đỏ hướng về trước cửa Nam chợ Bến Thành, rồi quay lại trước cửa Nam chợ Bến Thành ra đường Lê Lai hướng về tới giao lộ Lê Lai - Phan Chu Trinh. Sau đó, Tuấn về nhà tập hợp tất cả các clip và ảnh liên quan rồi lọc ảnh, clip cắt ghép rồi tạo thành một clip tổng hợp và đăng tải trên tài khoản Tiktok "Never GG" khiến dân mạng xôn xao.

9 đối tượng liên quan tới vụ án hiện đang bị điều tra, xử lý. Ảnh: CATPHCM
Qua các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, xác định Hồ Ngọc Tuấn cùng đồng bọn tổ chức thuê người khiêng quan tài diễu hành trên đường phố đông người qua lại, quay clip và đăng lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Do đó, hành vi của Tuấn cùng đồng bọn đã có dấu hiệu của tội "Gây rối trật tự công cộng".
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an phường Bến Thành đã tạm giữ 9 đối tượng gồm: Hồ Ngọc Tuấn, sinh năm 2000, ngụ tỉnh Long An; Nguyễn Văn Quyết, sinh năm 1995; Vũ Thị Thanh Xuân, sinh năm 1995, cùng ngụ quận 12, TPHCM; Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 2000; Nguyễn Văn Thẩm, sinh năm 1994; Nguyễn Quốc Cường, sinh năm 1981; Phạm Hùng Cường, sinh năm 1977; Nguyễn Hoàng Sơn, sinh năm 1972; Ngô Văn Ràng, sinh năm 1960, cùng ngụ tỉnh Long An; Lê Văn Nghĩa, sinh năm 1981; Huỳnh Ngọc Hưng, sinh năm 1974, cùng ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan, đã có các ý kiến trái chiều cho rằng chỉ nên xử lý hành chính vụ việc trên. Một số ý kiến khác nhận định chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng" vì hậu quả chưa nghiêm trọng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thục. Ảnh: NVCC
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam sáng ngày 7/3/2025, luật sư Nguyễn Hữu Thục, Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Thục và Cộng sự, cho biết, các nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
"Vụ "quan tài diễu phố" với hình ảnh một chiếc quan tài sơn màu đen, 4 người khiêng mặc áo khoác màu đen bịt kín đầu, đeo khẩu trang màu đen, nguệch ngoạc viền đỏ trước ngực, đi giầy màu đen, toàn cảnh màu đen diễu hành khắp đường phố Sài Gòn tạo nên hình ảnh vô cùng sợ hãi, dị hợm. Quan điểm của tôi, nếu chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Chỉ vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng xử phạt thì những người bán hàng online bất chấp thực hiện để câu view, câu like. Nếu không xử lý hình sự thì sẽ tạo tiền lệ xấu và xu thế quan tài sẽ trở thành phương tiện quảng cáo thành phổ biến. Do vậy, việc khởi tố hình sự nhóm người này là cấp thiết, kịp thời và có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", luật sư Nguyễn Hữu Thục đưa ý kiến.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thục, thứ nhất, nhóm người này dù nhận thức đầy đủ hành vi nêu trên là vi phạm pháp luật (quan tài chỉ dùng cho người đã chết và khiêng quan tài đi ra đường là sự kiện tang tóc, đau thương). Nhưng vì lợi nhuận câu like, view để bán hàng và có thể được trả công, họ vẫn bất chấp để thực thi. Thứ hai, theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo gây phản cảm, trái đạo đức xã hội bị nghiêm cấm. Thực tế, việc "quan tài diễu phố" có tổ chức, được sắp xếp, dàn dựng một cách bài bản, có sự phân công, phân nhiệm của từng người, không phải tự phát. Thứ 3, nhóm người này đã lường trước được hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện, tạo ra sự bất bình trong dư luận và ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm, sẽ tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi tương tự trong tương lai. Thứ tư, hậu quả của hành vi trên gây bức xúc dư luận, gây khiếp sợ, hoang mang cho người đi đường, mất đi hình ảnh tươi đẹp trong xã hội văn minh đặc biệt trong mắt du khách quốc tế. Hành vi trên thể hiện sự xem thường pháp luật, trật tự xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội được cộng đồng công nhận và tuân thủ.
Luật sư Nguyễn Hữu Thục đưa quan điểm: "Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phản cảm với mục đích quảng cáo, câu view, câu like đặc biệt đối với những youtuber, tiktoker, facebooker có sức ảnh hưởng. Trước đây, cơ quan chức năng đã khởi tố hành vi "chơi trội" của người mẫu Ngọc Trinh khi biểu diễn xe mô tô phân khối lớn rồi tung lên mạng xã hội gây xôn xao một thời gian. Song, dường như những người dùng mạng xã hội vẫn chưa biết sợ, vẫn chưa lấy đó làm bài học cho nên những tình trạng tương tự, bất chấp đạo đức, pháp luật để quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội vẫn diễn ra bất chấp pháp luật. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật, đẩy mạnh các biện pháp chế tài, không chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà cần xử lý hình sự đối với các trường hợp nghiêm trọng, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng mạng xã hội đúng chuẩn mực thông qua giáo dục, tuyên truyền. Chỉ khi có biện pháp mạnh tay, chúng ta mới có thể ngăn chặn tình trạng quảng cáo phản cảm, quảng cáo sai sự thật, bảo vệ trật tự, an ninh xã hội và môi trường truyền thông lành mạnh".
Luật sư Nguyễn Hữu Thục cho rằng hành vi của nhóm người trên có thể bị khởi tố tại khoản 2 Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 về tội "Gây rối trật tự công cộng" với mức hình phạt từ 2-7 năm tù. Trong quá trình điều tra, khởi tố, xét xử thiết nghĩ cần xử lý nghiêm những người ở vai trò chủ mưu, cầm đầu để tuyên truyền, giáo dục răn đe tuy nhiên cần khoan hồng đối với những người được thuê mướn trả công, không vụ lợi. Theo luật sư Thục, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ thích nổi tiếng, ảo tưởng, bài học cho những người lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh bất chấp pháp luật.