Luật sư tính bồi thường 'tử tù oan 46 năm' 12 tỷ đồng

13/08/2016 - 21:50
Theo tính toán của luật sư tư vấn cho cụ ông Trần Văn Thêm, người vừa được Liên ngành từ pháp Trung ương xin lỗi vì bị oan sai, số tiền ông Thêm đề nghị được bồi thường trong 46 năm mang phận tử tù khoảng 12 tỷ đồng.
46-nam-tu-tu.jpg
 Quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm
Ngày 11/8 vừa qua, tại hội trường trung tâm huyện Yên Phong (Bắc Ninh) Liên ngành tư pháp Trung ương đã tổ chức buổi xin lỗi công khai với ông Trần Văn Thêm, người bị kết án oan về tội giết người, cướp của 43 năm về trước.

Cụ Trần Văn Thêm, năm nay 84 tuổi, người đã bị TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) kết án tử hình về tội giết người, cướp tài sản xảy ra năm 1970 tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Thêm khi đó đã bị tòa cáo buộc đã giết, cướp tài sản của người em họ tên là Nguyễn Khắc Văn (ông Thêm và ông Văn cùng trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) trong một lần hai người này đi buôn tại Tam Dương – Vĩnh Phú.
20160810_182654.jpg
 Cụ Trần Văn Thêm chỉ vào hình xăm trong tù để nhớ lại những ngày tháng đau khổ, tủi cực (ảnh Hà Khê)
Tuy nhiên, trong thời gian ông Thêm ngồi tù chờ thi hành án thì cơ quan điều tra đã bắt được một nghi can khác, người này khai chính y đã sát hại ông Nguyễn Khắc Văn và đánh ông Thêm bị thương trong vụ án mạng năm xưa. Sau đó, vào năm 1975, ông Thêm được tạm tha về nhà. Từ đó đến nay, người đàn ông này đã rất nhiều lần làm đơn kêu cứu để trả lại danh dự cho bản thân, gia đình. Sau nhiều năm kêu oan, đến ngày 8/8, Liên ngành tư pháp Trung ương xác định ông Thêm bị kết án oan sai. Ngày 11/8 vừa qua, đã chính thức đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm.

Trên hành trình đi tìm công lý của mình, cụ ông Trần Văn Thêm đã được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các luật sư, các cơ quan báo chí. Ngay sau khi có quyết định ông Thêm bị oan sai, Liên ngành tư pháp tổ chức xin lỗi, luật sư tư vấn cho ông Thêm đã tính toán các phương án, mức bồi thường cho cụ ông bị oan suốt mấy chục năm qua.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (Phó giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi), tiền bồi thường giam giữ trong 5 năm 6 tháng 7 ngày (tính ra là 2.010 ngày) đối với ông Trần Văn Thêm khoảng 1,1 tỷ đồng, gồm thiệt hại do mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần. Trong 41 năm (14.530 ngày) mang thân phận tử tù dù đã được tại ngoại, theo tính toán của luật sự, số tiền ông Thêm cần đòi bồi thường là hơn 10 tỷ đồng gồm: Mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần… Ngoài ra còn các khoản bồi thường khác như chi phí đi kêu oan, chữa bệnh... khoảng 800 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ông Thêm được luật sư tư vấn đòi bồi thường oan sai là hơn 12 tỷ đồng.
20160810_175638.jpg
 Góc sân nhà cụ Thêm luôn đầy ắp tiếng cười kể từ khi ông được minh oan (ảnh Hà Khê)
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội), phân tích thêm: Thời điểm ông Thêm bị ngồi tù oan xảy ra đã lâu, mệnh giá thời đó khác với bây giờ cùng với việc trượt giá thì việc bồi thường đối với ông Thêm sẽ được xác định theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Cũng liên quan đến việc bồi thường cũng như mong muốn của gia đình, bà Trần Thị Xuân, con gái của ông Trần Văn Thêm (khi ông Thêm bị bắt, bà Xuân mới hơn 10 tuổi) cho rằng, việc bồi thường cứ thực hiện theo quy định của nhà nước vì đã có xin lỗi công khai. Tuy nhiên, có một bi kịch xảy ra trong suốt những năm cụ Thêm bị oan sai là việc gia đình cụ và gia đình ông Nguyễn Khắc Văn đã từ mặt nhau. Dù trước đó, hai gia rất thân thiết.

“Ngoài việc bồi thường hay xin lỗi công khai, mong muốn của gia đình là cơ quan chức năng tổ chức một buổi giải thích, hòa giải cho hai gia đình chúng tôi, vượt qua mặc cảm quá khứ, nối lại tình xưa nghĩa cũ”, bà Xuân chia sẻ.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp bị kết án oan sai dẫn tới việc cơ quan tố tụng phải tiến hành bồi thường oan sai. Nổi bật như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên – Bắc Giang) được bồi thường 7,2 tỷ đồng, doanh nhân Lương Ngọc Phi (Tp Thái Bình, Thái Bình) được bồi thường 22,9 tỷ đồng vì oan sai.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm