Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện "tinh thần tương thân tương ái"

Trường Hùng
21/05/2020 - 20:02
Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện "tinh thần tương thân tương ái"
“Khi chủ phương tiện giao thông mua loại bảo hiểm bắt buộc này thì quyền lợi của người bị nạn sẽ được đảm bảo, đây là một chính sách an sinh xã hội theo nguyên tắc là lấy số đông bù số ít, đảm bảo quyền lợi của người yếu thế luôn được đảm bảo ở một mức độ nhất định và thể hiện tinh thần tương thân tương ái”, ThS, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) - lý giải về ý nghĩa của việc mua bảo hiểm xe máy trước khi ra đường.

PV: Từ ngày 15/5 đến ngày 14/6, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ra quân thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, có việc kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông. Vậy, ông suy nghĩ ra sao về hoạt động này, được tiến hành đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang tạm được kiểm soát?

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Việc lực lượng cảnh sát giao thông ra quân thực hiện tổng kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là cần thiết và được thực hiện hằng năm. Trên cơ sở kiểm tra đồng loạt như vậy thì sẽ có những đánh giá đầy đủ, chính xác hơn về tình hình chấp hành luật lệ an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông đồng thời cũng là một hình thức tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành pháp luật.

Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện ‘tinh thần tương thân tương ái’ - Ảnh 1.

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Ảnh: Viettimes)

PV: Trong những ngày qua, đã có rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông bị xử phạt vì không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Cùng với đó, khi biết nếu thiếu giấy tờ này sẽ bị xử phạt thì nhiều người dân mới đổ xô đi mua. Ông nghĩ ra sao về thực trạng trên?

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Trong thời gian 3 ngày ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông đã phạt rất nhiều trường hợp và thu về ngân sách nhà nước hơn 20.000.000.000 đồng. Điều này cho thấy hiện người tham gia giao thông vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ còn khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra. Bởi vậy, mỗi đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như thế này sẽ là một cuộc vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng như có thêm thông tin dữ liệu trong công tác nghiên cứu khoa học, có cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông.

Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện ‘tinh thần tương thân tương ái’ - Ảnh 2.

Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh tuần tra kiểm soát trong tháng cao điểm vào tối 15/5 (Ảnh: Trịnh Thanh)

Khi vừa thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì rất nhiều người đã phải nghiêm chỉnh chấp hành, hiện tượng đổ xô đi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới cho thấy những tác động tích cực của hoạt động này đến ý thức của người tham gia giao thông như thế nào. Bởi vậy quan điểm của cá nhân tôi và chắc chắn sẽ là quan điểm của nhiều người rất đồng tình với hoạt động này của cảnh sát giao thông. Đây là hoạt động nhắc nhở nhiều người có ý thức hơn trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông.

Từ khi cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ thì nhiều người dân kể cả là chủ phương tiện mô tô, xe máy lẫn ô tô đều phải kiểm tra lại tất cả các loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Với loại phương tiện là ô tô thì mỗi khi đăng ký, đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm đã yêu cầu chủ phương tiện phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc dành cho xe cơ giới nên những trường hợp người sử dụng phương tiện ô tô không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là ít xảy ra.

Còn đối với phương tiện xe máy, mô tô thì không có thủ tục đăng kiểm định kỳ, cũng không có cơ chế, biện pháp nào để bắt buộc người sử dụng phương tiện giao thông này phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Bởi vậy, rất nhiều người đã không hiểu ý nghĩa của loại bảo hiểm này, không chủ động mua loại bảo hiểm này cho đến khi cảnh sát giao thông thông báo là sẽ xử phạt và tiến hành tổng kiểm tra.

Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện ‘tinh thần tương thân tương ái’ - Ảnh 3.

Người dân mua bảo hiểm xe máy ở rìa đường Võ Văn Kiệt (huyện Đông Anh, Hà Nội) (Ảnh: Phạm Hùng).

Việc kiểm tra các phương tiện giao thông đồng loạt khiến nhiều chủ phương tiện nháo nhác đi tìm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe mô tô, điều này cho thấy hành vi rõ ràng là đối phó với lực lượng chức năng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Có nhiều lý do khiến người sử dụng phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy không thiết tha với loại bảo hiểm này như:

- Rất nhiều người không hiểu bản chất của loại bảo hiểm này là một hoạt động an sinh xã hội nhằm hướng đến quyền lợi của người bị tai nạn trong những vụ việc tai nạn giao thông, đây là trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với nạn nhân trong các vụ việc tai nạn giao thông mà pháp luật đã quy định bắt buộc. Quy định này xuất phát từ vấn đề đạo đức, ý thức, trách nhiệm cộng đồng cũng như trách nhiệm của chủ phương tiện, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đối với hậu quả thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ này gây ra;

- Chưa có thủ tục cũng như cơ chế bắt buộc định kỳ chủ phương tiện phải mua loại bảo hiểm này giống như thủ tục đăng ký đăng kiểm của xe ô tô. Bởi vậy, không có động lực cũng như áp lực để chủ phương tiện phải đi mua loại bảo hiểm này;

- Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức của công dân trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với các loại bảo hiểm bắt buộc chưa hiệu quả dẫn đến nhận thức, ý thức của nhiều người dân chưa cao trong việc mua loại bảo hiểm này;

- Nhiều người chưa biết mua những bảo hiểm này ở đâu, những thông tin về địa điểm bán loại bảo hiểm này còn khó tiếp cận với nhiều người. Những trường hợp bán loại bảo hiểm này với giá rẻ ở vỉa hè, lòng đường với những người bán rong không tạo ra được niềm tin cho người mua, hơn nữa giá cả thì rất khác nhau, có những loại chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng cho một năm khiến nhiều người nghi ngờ về tính pháp lý của những loại bảo hiểm này;

- Việc kiểm tra, ra soát người tham gia giao thông có mua loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới hay không không được tổ chức thường xuyên, quy mô nên nhiều người không mua cũng không bị phát hiện, không bị xử lý;

- Nhiều người mua một vài lần nhưng không bị tai nạn, không được nhận chế độ quyền lợi bảo hiểm nên cảm thấy mua chỉ mất tiền, bởi vậy sau đó không mua nữa mà không biết rõ ý nghĩa của loại bảo hiểm này như thế nào;

- Có một số trường hợp mua phải loại bảo hiểm tự nguyện hoặc mua phải những trường hợp lừa đảo bán bảo hiểm giả nên khi sự việc xảy ra không thanh toán được dẫn đến bức xúc, từ đó không mua nữa. Cũng có những trường hợp bị gặp khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục hưởng các quyền lợi chế độ bảo hiểm khi vụ việc tai nạn xảy ra nên có những phản ứng tiêu cực với loại bảo hiểm này;

PV: Nhiều người dân bày tỏ ý kiến giấy tờ trên không có tác dụng, bởi khi họ không may gây ra tai nạn giao thông đối với người khác thì không được bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại. Ông bày tỏ ra sao trước cách suy nghĩ này?

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Nhiều người cho rằng, họ bị bảo hiểm từ chối chi trả cho người thứ ba bởi các lý do khác nhau nên từ đó họ phản ứng tiêu cực, không mua loại bảo hiểm này nữa. Đây là cách suy nghĩ không đúng đắn, không hiểu rõ bản chất của loại bảo hiểm này và không thực hiện trách nhiệm của công dân trước pháp luật.

Luật sư: Việc mua bảo hiểm xe máy thể hiện ‘tinh thần tương thân tương ái’ - Ảnh 4.

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô - xe máy.

Theo quy định của pháp luật thì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng loại phương tiện này mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác dù không có lỗi vẫn Phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời pháp luật quy định nghĩa vụ của người gây tai nạn đối với người bị hại là nghĩa vụ đưa đi cấp cứu, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Trong những vụ tai nạn thì người bị nạn là người trong tình trạng nguy hiểm, yếu thế, cần được bồi thường, khắc phục hậu quả kịp thời.

Bởi vậy pháp luật quy định bắt buộc người sử dụng phương tiện giao thông, nguồn nguy hiểm cao độ này phải mua bảo hiểm để khi việc tai nạn giao thông xảy ra, cơ quan bảo hiểm sẽ thay mặt chủ phương tiện bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.

Đây là một quy định rất nhân văn, theo phương thức lấy số đông bù số ít, đây là một hoạt động an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người bị tai nạn giao thông khi sự việc không may xảy ra, có sự điều phối của nhà nước. Bởi vậy việc mua loại bảo hiểm này là thể hiện trách nhiệm của công dân trước pháp luật, thể hiện trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ này và cũng là cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại trong các vụ tai nạn giao thông. Loại bảo hiểm này có một đặc điểm là người mua bảo hiểm sẽ không được hưởng quyền lợi trực tiếp, nghĩa là nếu họ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì không được bồi thường mà chỉ bồi thường cho bên thứ ba. Nếu họ mua thêm loại bảo hiểm tự nguyện nữa thì mới được bồi thường cho bản thân mình, còn loại bảo hiểm này là để bồi thường cho bên thứ ba.

Trong trường hợp chủ xe cơ giới không mua loại bảo hiểm này thì thiệt thòi đầu tiên thuộc về người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông, có những trường hợp người gây tai nạn không có điều kiện để bồi thường hoặc mức thiệt hại quá lớn vượt ra khỏi khả năng của chủ phương tiện giao thông thì người chịu thiệt thòi ở đây là người thứ ba, người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm