pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lương giảm, tiền thuê tăng nhưng không dám chuyển nhà
Ảnh: Minh họa
Giá cả tăng, thu nhập bị cắt giảm và nhu cầu chi tiêu gần Tết là những khó khăn nhiều người trẻ đang phải đối diện. Chi tiêu ra sao cho hợp lý mà vẫn cân đối được ngân sách. Có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm chi tiêu cho nhà cửa, đặc biệt là thuê nhà để tiết kiệm hơn. Song điều này có khả thi?
Khó để tìm phòng với giá thuê hợp lý trong thời điểm này
Nguyễn Trang, 23 tuổi, chia sẻ rằng thu nhập của bản thân đã bị giảm trong khoảng thời gian nền kinh tế có nhiều biến động như hiện tại. Thu nhập của Trang bao gồm lương cứng và hoa hồng. Trong giai đoạn này, nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ của khách hàng cũng thay đổi nhiều, đa phần giảm so với đầu năm nên hoa hồng cũng ít đi.
Bên cạnh đó, trong 1 năm qua gần như các nhu cầu yếu phẩm như gạo, thực phẩm, giá xăng đều tăng. Do vậy, chi tiêu cho nhu cầu cơ bản của Nguyễn Trang cũng tăng theo.
“Tiền nhà của mình mới tăng 200 nghìn/phòng so với các tháng trước. Hợp đồng thuê mới hết hạn, chủ nhà có tăng giá cho đợt thuê tiếp theo. Bão giá đến cả tiền nhà, khoảng đầu tháng 9 năm nay, nếu muốn thuê 1 căn phòng giá khoảng 2,5-3 triệu/tháng là khá hiểm ở Hà Nội. Do vậy, dù tiền nhà tăng, mình cũng không có nhu cầu chuyển sang nơi ở khác hay cắt giảm phần chi phí này vì gần như không thể”.
Còn đối với Minh Chi (26 tuổi, Hà Nội), lương không tăng nhưng giá cả mọi thứ đều tăng khiến bản thân không thể tiết kiệm được như trước. “Mình từng nghĩ đến chuyện chuyển nhà thuê vì chỉ cần giảm được tiền nhà 1 triệu/tháng thôi cũng đã đỡ áp lực tài chính hơn trong thời điểm bão giá này. Bên cạnh đó, mình cũng lo lắng chẳng may có lúc thu nhập bị giảm mạnh, không ổn định thì không trả được những khoản chi cần thiết".
Song, đây chỉ mới là ý định của Minh Chi, vì cũng giống như Nguyễn Trang, việc thuê 1 căn phòng với mức giá phù hợp hơn trong nội thành Hà Nội rất khó. Nếu chấp nhận giảm tiền thuê nhà, đồng nghĩa chất lượng căn phòng cũng khá tệ.
Chỉ nên thuê nhà tối đa 20, 30% thu nhập
Minh Chi đưa ra nguyên tắc chỉ chi tối đa 30% thu nhập cho tiền nhà hàng tháng. Hiện tại, cô bạn đang tiêu khoảng 25% cho khoản này và để “dôi ra” một số tiền nhỏ cho những thời điểm như mùa hè tiền điện tăng hoặc chủ nhà tăng giá thuê. “Mình thấy đó là mức chi tiêu hợp lý so với khoản thu nhập hiện tại có thể thuê một căn phòng khá tốt”.
Hiện nay, nhiều người trẻ không ngừng đầu tư cho không gian sống của bản thân, chi khá mạnh tay lên tới 40-50% thu nhập hàng tháng. Theo Minh Chi, đây là một con số khá lớn và cảm thấy không cần thiết. Nếu chiếu theo nguyên tắc nên tiết kiệm 30% thu nhập, chúng ta sẽ còn khá ít tiền để tiêu trong trường hợp thu nhập ở mức trung bình trở xuống, tầm 10 triệu đồng.
“Quan điểm của mình là nên tiêu và hưởng thụ đúng năng lực kiếm tiền, thu nhập, dung hòa mọi thứ. Ai cũng muốn ở trong ngôi nhà đẹp, khang trang nhưng nếu thu nhập chưa cao, bạn cần phải chấp nhận thay vì tiêu hoang, điều bạn cần làm là tăng thu nhập, chứ không phải “vung tiền” thuê nhà”.
Mặt khác, Nguyễn Trang cho rằng có nhiều người có nhu cầu ở sang, với quan điểm môi trường sống tốt thì mới có động lực để học tập, làm việc. Có những người chi 30-40% tổng thu nhập cho tiền thuê nhà, vì đơn giản họ cảm thấy nó nằm trong mức có thể chi trả. Tùy vào cách phân chia thu nhập của từng người, họ sẽ có cách quản lý tiền khác nhau.
Ví dụ, người có thu nhập 30 triệu, bỏ hơn 10 triệu để thuê nhà ở, họ vẫn có khả năng tiết kiệm tiền. Vậy nên, việc bỏ ra bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập để thuê nhà, còn phụ thuộc vào ngân sách dự kiến và thu nhập của từng người.
“Mình luôn đặt ra mức ngân sách chi cho tiền thuê nhà và sinh hoạt như tiền điện, nước, vệ sinh khoảng 20% tổng thu nhập. Mức sống ở các thành phố lớn như Hà Nội khá cao so với những người trẻ mới đi làm như mình. Vậy nên, việc phân chia các khoản tiền cần tiêu trong tháng thành nhiều khoản nhỏ khác nhau, là cực kỳ quan trọng, giúp mình kiểm soát được dòng tiền, cũng như tiện để phân bổ nguồn thu nhập hợp lý”, Nguyễn Trang chia sẻ.