pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lương mùa dịch giảm còn 5 triệu đồng/tháng vẫn tiết kiệm được 1 triệu nhờ 3 quy tắc đơn giản
Khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế không khỏi bị ảnh hưởng. Cắt giảm nhân sự hay giảm lương đã không còn là điều gì lạ lẫm với người lao động trong những ngày này.
Làm việc trong công ty chuyên về xuất khẩu lao động, chị Nguyễn Thuỳ Linh (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị ảnh hưởng khá nhiều trong mùa dịch. Chị chia sẻ, công ty chị hiện các hoạt động xuất khẩu lao động đều dừng hẳn, việc đào tạo ứng viên cũng thực hiện qua hình thức trực tuyến. Doanh thu công ty giảm nên giảm lương nhân viên là điều dễ hiểu.
"Công ty mình những tháng này doanh thu giảm rất lớn. Anh giám đốc vẫn cố gắng giữ lại hết nhân sự. Mọi người đều đồng ý với phương án giảm 40% lương, cùng hỗ trợ nhau để vượt qua mùa dịch. Đúng là những ngày này, còn được nhận lương, có công việc để làm đã là hạnh phúc".
Thu nhập giảm gần một nửa song với chị Linh, đây cũng là khoảng thời gian để bản thân có những khoảng sống chậm, nhìn lại cuộc sống của mình.
"Với mình, lương cao hay thấp không phải là yếu tố quyết định việc tiết kiệm. Với khoản thu nhập chỉ còn 5 triệu đồng/tháng, mình vẫn để tiết kiệm được 1 triệu đồng và sống khá thoải mái", chị Linh kể.
Theo chia sẻ, chị Linh không có bí quyết gì quá đặc biệt mà là do bản thân luôn tuân thủ theo 3 quy tắc.
1. Lựa chọn phương pháp quản lý chi tiêu
Với những bạn trẻ mới ra trường hay những người đang phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập thấp hay bị giảm lương là điều khiến họ rất bối rối, không biết làm sao để có thể đảm bảo chi tiêu. Tuy nhiên với chị Linh, quan trọng là phải chi tiêu hợp lý và luôn biết tiền của mình "đi" đâu.
Cô gái 28 tuổi này chọn cho mình cách quản lý chi tiêu theo phương pháp 50/20/30. Đây là phương pháp quản lý chi tiêu rất nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Nhiều người nghĩ rằng lương thấp thì không cần phải lên kế hoạch cụ thể như vậy song sự thật thì lên kế hoạch quản lý ngân sách sẽ giúp bạn rất nhiều điều.
Với quy tắc 50/20/30, bạn sẽ phân chia thu nhập của mình theo một tỷ lệ nhất định, từ đó lên kế hoạch chi tiêu một cách khoa học và phù hợp với mục tiêu tiết kiệm của mình. Cô gái làm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động chia thu nhập của mình thành các khoản như sau:
- 50% thu nhập (tương đương 2,5 triệu đồng) cho các chi tiêu thiết yếu
Theo chia sẻ, hiện tại 2,5 triệu đồng là số tiền chị Linh dành để chi cho các khoản thiết yếu. Số tiền này bao gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước...
"Mình vẫn đang thuê nhà cùng một người em họ. Tiền nhà trước đây là 3 triệu đồng chưa bao gồm tiền điện, tiền nước. Tuy nhiên trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch, bác chủ nhà có giảm cho mỗi phòng 1 triệu đồng. Do đó tháng này mình mất khoảng 1,3 triệu đồng cho các khoản tiền nhà, điện, nước. Bình thường hai chị em đi làm thì ít tốn tiền điện hơn là nghỉ làm ở nhà".
Số tiền 1,2 triệu còn lại được chị Linh chi cho tiền ăn, tiền điện thoại, phát sinh trong tháng... Làm việc ở nhà nên các khoản đi lại đều được tiết kiệm, thay vì phải đi ăn ngoài hai bữa sáng và trưa, giờ chị chuẩn bị các bữa và ăn tại nhà. Điều này đã giúp chị tiết kiệm khoản tiền không hề nhỏ.
Nhờ việc tự chuẩn bị các bữa ăn ở nhà, chị Linh đã tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.
- 20% thu nhập (tương đương 1 triệu đồng) cho mục tiêu tài chính
20% thu nhập tương đương 1 triệu đồng được chị Linh dành cho các khoản tiết kiệm, dự phòng... Đây là số tiền chị cảm thấy phù hợp với khoảng thời gian thu nhập đang bị ảnh hưởng như hiện tại. Dù thu nhập ở mức nào, chị cũng để dành 20% cho khoản này và trích ngay lúc mới có bất kỳ khoản thu nhập nào.
- 30% thu nhập (tương đương 1,5 triệu đồng) cho chi tiêu linh hoạt
"Tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải sống một cách kham khổ, không dám ăn, không dám tiêu. Với mình, tiết kiệm có nghĩa là mình chi tiêu một cách thông minh, khoa học. Từng đồng tiền bỏ ra đều mang về lợi ích. 1,5 triệu là số tiền mình để dành cho việc mua sách, tham gia các khoá học online, giải trí...", chị Linh chia sẻ.
2. Luôn có một cuốn sổ trong túi
"Cuối mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn hãy cộng sổ để biết xem liệu mình có đang chi tiền cho khoản gì quá nhiều, khoản gì quá ít để điều chỉnh lại".
Rất nhiều người thường không biết tiền của mình "đi" đâu. Họ nghĩ các khoản chi của mình đều hợp lý, chỉ đến khi cuối tháng nhìn ví mới "thất thần" vì không hiểu tiền của mình đã tiêu vào những việc gì. Đây là lý do bạn cần ghi chép lại các khoản chi tiêu, tạo cho bản thân một thói quen tốt.
Chị Linh chia sẻ bản thân đã học được thói quen ghi chép chi tiêu từ khi còn học cấp 3. Mẹ chị là một nhân viên kế toán. Nhìn bà làm việc với các con số, chị đã học được tính tỉ mỉ, cẩn thận. Bất kỳ khoản nào chi ra, chị đều ghi chép lại và tạo thành một thói quen cho đến bây giờ.
"Việc ghi chép lại từng khoản sẽ giúp bạn nắm được mình đang bỏ tiền vào cái gì. Cuối mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn hãy cộng sổ để biết xem liệu mình có đang chi tiền cho khoản gì quá nhiều, khoản gì quá ít để điều chỉnh lại", nàng nhân viên công sở chia sẻ.
Nhật ký chi tiêu với các khoản được ghi chép một cách cụ thể sẽ giúp bạn quản lý được việc chi tiêu cá nhân. Một bí quyết để quản lý chi tiêu được rất nhiều người áp dụng là sử dụng tiền mặt thay vì thẻ. Việc chi tiêu bằng thẻ dễ khiến chúng ta không cảm giác được là mình đang tiêu nhiều tiền.
3. Khiến tiền "đẻ ra tiền"
"Đừng bao giờ để tiền "đứng yên" một chỗ".
"Đừng bao giờ để tiền "đứng yên" một chỗ" là câu nói chị Linh rất tâm đắc. Theo đó, khoản 20% thu nhập dành cho mục đích tài chính cần được sử dụng một cách hiệu quả.
Theo đó, khi số tiền nhỏ, bạn có thể đơn giản là gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Bạn cũng có thể dùng số tiền đó để bắt đầu việc bán hàng online những mặt hàng không đòi hỏi vốn lớn hoặc làm cộng tác viên, hưởng phần chiết khấu thấp song đổi lại không phải bỏ vốn ra. Khi số tiền này đã nhiều hơn, bạn có thể nghĩ đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản...
Áp dụng 3 quy tắc trên một cách triệt để, chị Linh có thể sống thoải mái với số tiền lương giảm còn 5 triệu đồng/tháng mà vẫn có tiền tiết kiệm. Đây là cách làm mà nhiều người có thể tham khảo để chi tiêu một cách hợp lý với khoản thu nhập khiêm tốn của mình.