pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lương tăng một nửa khi biết cách thương lượng với công ty
Khi xem xét một công việc mới, lương thưởng là một trong những điều mà người trẻ quan tâm nhất. Tuy nhiên, làm sao để có thể deal lương thành công, hay ngoài thu nhập ra cần xem xét thêm những yếu tố nào khác nữa đang là bài toán khó giải với một số người trẻ.
Tăng lương gần 50% sau khi chuyển việc
Tâm An (24 tuổi, nhân viên truyền thông) làm ở công ty hiện tại hơn 1 năm, mức lương tăng khoảng 40% so với công việc trước. Cô bạn chia sẻ rằng yếu tố tăng lương là do công việc có nhiều nhiệm vụ hơn, bản thân phải đảm nhận nhiều việc, hiệu suất công việc cũng yêu cầu cao hơn. Đồng thời làm ở một công ty có tiếng hơn cũng là một yếu tố của việc tăng lương .
Cũng giống như Tâm An, thu nhập của Trương Phương (24 tuổi) tăng khoảng 43-43% so với công việc cũ của mình. “Có 3 yếu tố là kinh nghiệm, do công việc cũ của mình cùng ngành với công việc hiện tại là nhân viên kinh doanh - khai thác tàu biển. Tiếp theo có thể kể đến trình độ kiến thức, học trong khi làm việc ở công ty cũ và sự thể hiện với công ty mới trong tháng thử việc để họ thấy được mình deal mức lương đó là đúng đắn”.
Cô bạn cho rằng việc deal lương của người lao động sẽ có một phần tác động đến mức thu nhập nhận từ công ty hàng tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là những ảnh hưởng nhỏ bởi vì người sử dụng lao động - tức các công ty mới là người quyết định cuối cùng về mức lương, liệu có chấp nhận mức lương bản thân deal hay không khi nhìn nhận kỹ năng, kinh nghiệm và sự đóng góp của nhân viên.
Sau khi vượt qua thử việc, Thu Phương đã deal lại mức lương mới. “Nhà tuyển dụng thường sẽ có ý muốn deal lại lương để phù hợp với vị trí mà họ hướng tới cho mình. Tuy nhiên, vì sau quá trình thử việc, họ cũng đã nắm được sơ qua phong cách làm việc của mình rồi nên lúc này khi deal mức lương cao hơn, mình sẽ đề xuất nhận KPI cao hơn với nhà tuyển dụng. Ví dụ, nếu trong tháng đầu tiên không đạt được KPI như mình đề ra với họ, mức lương không được như nguyện vọng mình nữa mà lúc đó sẽ theo ý nhà tuyển dụng ban đầu deal với mình”.
Trước 25 tuổi nên tập trung vào xây dựng kinh nghiệm thay vì lương thưởng?
Một số người cho rằng quan điểm trước 25 tuổi nên quan tâm đến kinh nghiệm đạt được thay vì mức lương. Theo Trương Phương, cô bạn quan tâm kinh nghiệm hơn khi làm việc nhưng nếu mức lương không thỏa đáng thì sẽ không có đủ động lực để hoàn thành công việc. “Mình có biết một số bạn có cuộc sống không được khá giả hoặc hoàn cảnh gia đình không suôn sẻ, các bạn ấy sẽ đặt mức lương lên trên để có thể lo cho cuộc sống và gia đình ổn định hơn. Bên cạnh đó, hiện tại thì mình thấy cũng khá hợp lý vì bản thân công việc của mình mức lương cơ bản chỉ là phần nền, mình cũng được hưởng hoa hồng từ việc chạy KPI hàng tháng”.
Cũng giống Trương Phương, Tâm An cho rằng quan tâm kinh nghiệm thay vì mức lương chỉ nên ở thời điểm bạn trước 23, tức là sau khi tốt nghiệp đại học khoảng 1-2 năm. Hồi xưa đại học, cô bạn tự ti rằng bản thân không có kinh nghiệm nên đi làm không cần quan tâm lương. Tuy nhiên, đi làm 1-2 năm cũng có nghĩa là bạn đã hiểu cách vận hành của công việc thì không có lý do gì để phải chấp nhận mức lương thấp, đặc biệt là khi nhiều công việc yêu cầu nhân viên phải hy sinh thời gian cá nhân.
Còn đối với Thái An (24 tuổi), thu nhập từ công việc hiện tại tăng nhẹ khoảng 10% so với công việc cũ do đổi sang làm ở 1 lĩnh vực hoàn toàn khác. Cô bạn cho rằng đây là mức phù hợp, một phần cũng muốn học hỏi nhiều hơn nên không đòi hỏi quá cao ở lương thưởng. “Thực sự thì một người trẻ như mình tài chính chưa phải là vấn đề yêu tiên hàng đầu, vì còn trẻ nên vẫn phải học hỏi và tích luỹ rất nhiều nữa. Mức lương dù có thấp hơn kỳ vọng nhưng mình vẫn tích cực đón nhận để có tâm thế đi làm một cách thoải mái nhất. Ưu tiên hàng đầu là công ty có tiềm năng giúp mình học hỏi và phát triển nhanh hơn. Khi kinh nghiệm và kiến thức có đủ thì mình nghĩ lúc đó tài chính cũng sẽ phát triển theo”.
Được đề xuất mức lương cao hơn nhưng vẫn quyết định gắn bó với công ty cũ
Huệ Nguyễn (28 tuổi) vừa mới đây đã quyết định tìm một công việc mới đảm bảo những tiêu chí về mức lương, thời gian làm việc hay tính chất công việc phù hợp với bản thân. Mặc dù sau khi phỏng vấn, tìm hiểu về tính chất công việc, môi trường làm việc, mức lương công việc mới offer cao hơn, cô vẫn quyết định tiếp tục làm công việc cũ. Theo Huệ Nguyễn, có 4 lý do khiến cô đưa ra quyết định như vậy:
Đầu tiên về địa điểm làm việc. Nếu làm ở công ty khác, việc đi làm xa hơn ảnh hưởng đến quỹ thời gian Huệ Nguyễn dành cho gia đình như đưa đón con đi học. Tiếp theo, xét trên tính chất công việc, cấp bậc cá nhân không có quá nhiều sự thay đổi vượt trội.
“Năm nay cũng là 1 năm khó khăn về mặt kinh tế, mình làm ngân hàng, công việc đặc thù, lại phụ thuộc vào kinh tế hay thị trường. Nếu tổ chức hay đơn vị mới có sự thay đổi, cắt giảm hay điều chuyển nhân sự, có thể ảnh hưởng tới công việc. Mình cũng cần tính toán đến việc giữ thâm niên, giữ các chế độ phúc lợi như phép năm đã có sẵn. Nếu làm công việc mới thì gần như bắt đầu lại từ đầu. Thế nên, mình vẫn tiếp tục công việc cũ. Sắp tới mình cũng được tăng lương, thu nhập được cải thiện là yếu tố quan trọng hàng đầu mà mình đề ra. Mình cũng cố gắng sắp xếp quỹ thời gian sao cho hợp lý để đảm cân bằng được việc chăm sóc gia đình và công việc tại cơ quan”, Huệ Nguyễn chia sẻ. Cô cho rằng không phải được đề xuất tăng lương là nên chuyển công việc, mà còn có nhiều yếu tố khác cần phải xét đến.