pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lưu ý khi ăn canh cua với cà muối ngày hè
Ảnh minh họa
Món canh rất phù hợp với thời tiết nắng nóng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, chúng còn giúp bổ sung nước và các chất điện giải, giúp cơ thể phục hồi sức khỏe. Một trong những món canh ngon, mát, giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt với người có nguy cơ thiếu canxi, có thể kể đến là canh cua. Cua được chế biến với các loại rau, củ như: rau đay, mồng tơi, rau dền, rau muống, khoai sọ, bầu, bí…
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, về giá trị dinh dưỡng của món canh cua, trong 100g cua đồng thực phẩm ăn được, chúng cung cấp 87Kcal; 12,3g protein; 3,3g lipid; 5.040mg canxi; 430mg phốt pho; 4,7mg sắt; 2,1 mg vitamin PP…
Cụ thể, nếu nấu một bát canh cua mồng tơi, mướp với thành phần gồm: thịt cua đồng 55g, mồng tơi 70g, mướp 100g, dầu thực vật 5g, muối 1g thì giá trị dinh dưỡng cung cấp là 120Kcal; protid 9,1g; lipid 7g; glucid 5,1g; chất xơ 2,3g; vitamin A 116µg, beta-caroten 1504µg, vitamin C 58mg; canxi 218,7mg; sắt 2,7mg; natri 668,4mg; kali 558,9mg; kẽm 0,4mg.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, nên ăn 2-3 bữa/tuần, ngoài ra nên sử dụng các món ăn khác để bữa ăn thêm đa dạng. Thông thường, người Việt dùng món canh cua kèm với cà pháo muối. Mỗi quả cà có trọng lượng khoảng 8g, nếu một bữa ăn đến 7 quả cà thì trọng lượng tương đương khoảng 55g.
Về giá trị dinh dưỡng của 55g cà muối, chúng cung cấp 7Kcal; protein 0,7g; glucid 1,1g; chất xơ 0,9g beta-caroten 22µg; canxi 8,3mg; sắt 0,44mg; natri 406mg. Tuy nhiên, nên ăn khi cà đã chín đều, không ăn khi cà còn xanh và hăng, hay gọi là cà muối xổi, vì hàm lượng nitri tăng lên trong vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử nitrat có trong cà thành nitri. Lượng nitri giảm dần và mất hẳn khi đã chua, ăn với lượng vừa phải, không nên ăn nhiều vì nó không tốt cho sức khỏe.
Cà pháo muối là món ăn chứa nhiều muối. Đây cũng là vấn đề không chỉ những người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là người bệnh tăng huyết áp, mà người khỏe mạnh cũng cần đặc biệt chú ý và hạn chế tối thiểu lượng muối tiêu thụ. Muối ăn đã được nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của nó trong tăng huyết áp.
Các thức ăn muối mặn như dưa, cà pháo, hành, kiệu muối… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin. Tuy nhiên ở những người ăn thường xuyên các thực phẩm đó mới có nguy cơ cao bị ung thư, còn nếu biết cách ăn uống vừa phải và ăn kèm với các thực phẩm khác như rau xanh, hoa quả tươi thì không có gì đáng ngại.