Là một doanh nhân mê du lịch, lại hay đi công tác trong và ngoài nước, chị Trần Ngọc Diệp (35 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cảm thấy rất phiền phức khi phải thanh toán mọi khoản đi lại của mình bằng tiền mặt. "Tôi ở Trung Quốc phải dùng tiền Trung Quốc, sang đến Nga lại phải dùng tiền của nước này. Thấy phiền quá!" - chị Diệp chia sẻ.
Mới đây, chị Diệp quyết định chuyển sang dùng thẻ tín dụng mỗi lần di chuyển. Chị chọn cho mình dòng thẻ tín dụng du lịch của ngân hàng Maritime Bank. "Với thẻ tín dụng này, tôi có thể thanh toán tại 40 triệu điểm trên toàn cầu; được mua tour trả góp 0% lãi suất; được ứng tiền mặt với lãi suất ưu đãi; chiết khấu tới 30% các dịch vụ với đối tác của ngân hàng; hoàn tiền đến 10% trên tất cả chi tiêu du lịch, đặc biệt là với dịch vụ ăn uống, đặt phòng. Như vậy, nếu chi tiêu thông minh vào các dịch vụ trên, mình sẽ tối ưu được số tiền hoàn lại".
Chị kể: "Tôi vừa đưa gia đình sang Hong Kong, tất cả hóa đơn đều trả bằng thẻ tín dụng, tiện lợi và nhanh chóng. Ở nước ngoài, đa số người dân không dùng tiền mặt, chủ yếu thanh toán qua thẻ nên sử dụng dễ dàng".
Không chỉ vậy, thẻ tín dụng càng trở nên hữu dụng khi kế hoạch du lịch thay đổi vào phút chót, hoặc phát sinh thêm chi phí. Lúc ấy, số tiền có sẵn trong tài khoản sẽ là “cứu tinh” của bạn. Chị Lê Thanh Nhàn (Định Công, Hà Nội) kể, trong một lần đến châu Âu công tác, do công việc hoàn tất sớm nên chị đã tự thưởng một chuyến “phượt” bằng tàu điện ngầm qua nhiều nước. “Lúc đấy, dù không đủ tiền mặt tôi vẫn tự tin quyết định nhờ có thẻ tín dụng kề bên”, chị nói.
Một ưu điểm lớn của thẻ tín dụng là tiết kiệm thời gian và chi phí. Chị Nguyễn Hoài Anh (Trương Định, Hà Nội) cho biết, vì hai vợ chồng mê du lịch nên có dịp chị lại lên mạng, đặt phòng khách sạn ở Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc… để cả nhà đi nghỉ dưỡng, cho con trai 2 tuổi khám phá thế giới xung quanh.
“Sử dụng thẻ tín dụng là cách tiết kiệm thời gian và chi phí cho những gia đình có con nhỏ như tôi. Chỉ cần lướt web tham khảo, thanh toán bằng thẻ và đến ngày lên đường. Chuyến du lịch được hoạch định trong tích tắc” - chị Hoài Anh nói.
Có thể thấy, giờ đây, người dân đi du lịch không còn chỉ là du lịch khám phá, du lịch tận hưởng mà đã được nâng tầm lên thành du lịch thông minh. Khi du lịch nước ngoài, du khách nói chung và người Việt nói riêng thường có mối bận tâm: không lường trước sẽ chi tiêu vào những khoản nào, không mang đủ tiền mặt của nước sở tại hay ngại mang tiền mặt vì sợ trộm cướp.
Nhận định xu hướng dùng thẻ tín dụng của người Việt khi du lịch, ông Sean Prestion, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Người tiêu dùng đang ngày càng thông minh hơn nên khi đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, họ ưu tiên dùng thẻ tín dụng mà visa là một ví dụ. Bởi phương thức thanh toán này có tính an toàn, bảo mật và tiền lợi cao. Hơn nữa khi thanh toán bằng thẻ, mọi giao dịch đều được hệ thống ghi nhận, giúp người dùng dễ dàng quản lý chi tiêu”.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ có 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào 2021, xếp thứ 2 châu Á.
Dựa trên thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài trong năm 2016, tăng khoảng 15% so với năm 2015. Và số này đã chi tiêu đến 7- 8 tỷ USD. Tăng trưởng du lịch nội địa cũng không kém. Sáu tháng đầu năm 2017, khách du lịch nội địa cả nước đạt 40,7 triệu lượt, tăng đến 25% so với cùng kỳ 2016 (32,4 triệu lượt).
Thẻ tín dụng được ví như công cụ vạn năng giúp thuận tiện hơn khi chi tiêu nhưng cũng mang nhiều rủi ro mà phần lớn đến từ cách sử dụng của người dùng. Vì thế, các chuyên gia thẻ tín dụng khuyên người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau đây:
- Không bỏ qua các chương trình khuyến mãi, thưởng
- Chú ý để không bị mất cắp thông tin cá nhân khi thanh toán
- Không cho mượn thẻ tín dụng
- Không thanh toán muộn
- Hạn chế dùng thẻ tín dụng tại ATM
- Không vứt bỏ các giấy tờ liên quan đến thẻ tín dụng
|