Lưu ý không thể bỏ qua khi sơ cứu vết thương mạch máu

25/09/2016 - 22:17
Thông tin bé trai 9 tuổi tại Hà Nội tử vong do bị tôn cứa vào cổ vì mất máu nặng và thời gian di chuyển quá lâu khiến không ít người đặt câu hỏi, nếu được sơ cứu đúng cách và được đưa đến BV kịp thời, có thể bé không tử vong?
Điều này cũng cho thấy một thực trạng hiện nay là kỹ năng sơ cứu vết thương của người dân chưa tốt, đặc biệt cách sơ cứu vết thương mạch máu. Bởi nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu rất sớm do tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh và do lo lắng, thấy nhiều máu rồi sợ hãi ngất xỉu. Tuy nhiên, do tâm lý hoảng loạn, việc sợ cứu ban đầu thường không được thực hiện đúng hoặc trì trệ, khiến tình trạng nạn nhân càng thêm nguy kịch.  

Theo BSCKI Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, nạn nhân nhập khoa Cấp cứu do vết thương và chấn thương rất thường gặp, trong đó vết thương mạch máu chiếm số lượng không nhỏ. Nguyên nhân thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt do các vật sắc nhọn như dao, thanh kim loại, tấm tôn… đâm, cứa vào. Những vết thương này có thể chỉ gây ra tình trạng chảy máu nhẹ, nhưng cũng có nhiều trường hợp dẫn đến mất máu rất nghiêm trọng, gây tử vong cho nạn nhân nếu không được sơ cứu ban đầu đúng cách và chậm trễ đến BV.
mt-trc-bng-p-qua-vt-thng-vng-c.png
Sử dụng những vật dụng như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép vết thương. Ảnh minh hoạ
"Kỹ năng sơ cấp cứu vết thương mạch máu đúng cách không quá phức tạp để thực hiện. Điều quan trọng là người sơ cấp cứu tại hiện trường phải bình tĩnh, gọi người xung quanh hỗ trợ, ép ngay chỗ đang chảy máu. Sau đó, người sơ cứu dùng các vật dụng hiện có tại nơi xảy ra tai nạn băng ép có trọng điểm để cầm máu vết thương, trong thời gian sớm nhất đảm bảo vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sơ y tế gần nhất", BS Hậu nói.

Cũng theo BS Hậu, nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu vết thương mạch máu là băng ép có trọng điểm vết thương. Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương, có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân. Cách đơn giản hơn, giúp người sơ cứu dễ làm và dễ nhớ là băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân, sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến BV gần nhất.

"Trong sơ cứu nạn nhân, tuyệt đối không đắp thuốc lá, tro, các loại bột, hay che vết thương lại bằng quần áo… bởi cách này dễ làm vết thương nhiễm trùng, không quan sát được máu chảy, làm nguy hại hơn cho việc điều trị tại BV về sau", BS Hậu lưu ý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm