Có khả năng làm “hái ra tiền” nhưng không có kỹ năng cân bằng chi tiêu, kiểm soát tài chính, thì những khoản tiền đó vẫn không giúp con bạn trở thành người giàu có được. Trang bị cho con kỹ năng tiêu tiền, mới là cách dạy con thông minh nhất.
Theo gợi ý của chuyên gia tư vấn tài chính Jolie Hướng Dương, khi con từ 7 tuổi trở lên, nếu được rèn luyện thói quen chi tiêu thường xuyên và đúng cách, khi lớn lên bé có thể dễ dàng làm chủ tài chính của mình. Một số gợi ý để cha mẹ tham khảo:
Dạy con cách đặt mục tiêu
Hầu hết trẻ nhỏ đều được cha mẹ bao bọc, lo lắng, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần, nên cha mẹ cũng thường không chú trọng hướng dẫn con cách đặt ra mục tiêu để phấn đấu.
Nhưng bạn có biết, các tỉ phú, các doanh nhân hàng đầu thế giới đều đặt ra mục tiêu cho bản thân từ khi còn nhỏ? Vậy thì ngay từ bây giờ, hãy khuyến khích con đặt ra mục tiêu của riêng mình và thực hiện điều đó. Đơn giản chỉ là mục tiêu cuối tuần ăn một chiếc bánh pizza, hay mua một món đồ chơi, một đôi giày… Khi đạt được mục tiêu rồi, tiếp tục khuyến khích con đặt ra những mục tiêu mới, lớn hơn, dài hạn hơn mục tiêu cũ. Những mục tiêu này sẽ lớn dần theo độ tuổi của con và trong tương lai, đó sẽ là những chuyến du lịch, là nhà, là xe hơi…
Lập kế hoạch tài chính từ sớm
Chẳng bao giờ là quá sớm để bắt đầu suy nghĩ và lập kế hoạch tài chính cho tương lai. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bắt đầu bằng việc dạy con tiết kiệm từ sớm, để thực hiện những mục tiêu đã đặt ra.
Nên hướng bé đến những kế hoạch dài hạn, theo tháng hoặc theo năm, có đích đến rõ ràng như mua xe đạp, dành tiền đi du lịch nước ngoài, sửa sang lại phòng ngủ riêng…
Lập kế hoạch tài chính còn giúp các bé tự chủ, tự cân đối giữa chi tiêu và tiết kiệm, phù hợp với số tiền đang có.
Thực hiện theo đúng ngân sách dự tính
Nếu đã có thói quen lập kế hoạch tài chính, chắc chắn bé sẽ biết cách dự trù ngân sách chi tiêu. Tuy nhiên, nếu không muốn sau này con trở thành người luôn thiếu trước hụt sau, thu nhiều hơn chi, bạn cần luyện cho con thói quen thực hiện theo đúng ngân sách dự trù đó. Chính con chứ không phải ai khác cần phải tính toán, cân nhắc để liệu cơm gắp mắm và định ra những khoản cần chi, những khoản tiết kiệm theo số tiền mình đang có.
Bạn cũng nên nhớ nguyên tắc: tôn trọng và tuyệt đối không đưa ra sự trợ giúp nào khiến con ỷ lại vào người lớn.
Tránh xa nợ nần
Với xã hội hiện đại, tiêu trước trả sau, mua hàng trả góp… đã trở nên quen thuộc. Nguyên tắc chi tiêu này không chỉ áo dụng với những món đồ có giá trị lớn, mà cả với những thói quen tiêu dùng hàng ngày. Phổ biến trong nhiều gia đình, cho mẹ thường cho con đến hàng quen để ăn sáng hay chiều con, con có thể ra hàng đồ chơi, quà vặt mua sắm, rồi lúc nào tiện, cha mẹ trả tiền sau. Vô tình, thói quen này của cha mẹ cho các bé thấy, có thể dễ dàng nợ và trả nợ.
Nhưng nếu không kiểm soát tốt chi tiêu, ngay cả người lớn cũng khó có thể trả hết nợ, nếu không may xảy ra bất trắc. Vì vậy, trong mọi tình huống, cha mẹ nên làm gương, tránh xa nợ nần và dạy con tránh xa các loại nợ, cả nợ tốt lẫn nợ xấu, để có được cuộc sống chủ động và bình yên.
Không so sánh mình với người khác
Bạn A có món này, con cũng phải có giống bạn; con muốn mua đôi giày như bạn B; tại sao mẹ không mua cho con điện thoại Iphone như bạn C… Trẻ con thường so sánh và muốn dùng những đồ dùng có giá trị như bạn bè, người thân của mình.
Nhưng đó không phải là thói quen của những người tiêu tiền thông minh. Những người thành công về mặt tài chính thường không có khái niệm đua đòi, sở hữu những món đồ xa xỉ so với điều kiện của mình. Ngay từ nhỏ, bạn nên luyện cho con thói quen không nên so sánh mình với người khác, vừa lãng phí thời gian, vừa phải cố gắng mệt mỏi để được như họ. Điều con cần làm là tập trung vào mục tiêu của bản thân và hiểu rõ khả năng tài chính đến đâu.
Những thói quen này cần được rèn luyện thường xuyên, để trở thành một phần tính cách và kỹ năng của bé. Lúc đó, dù kiếm được nhiều tiền hay ít tiền, con bạn cũng làm chủ được tài chính, sống có mục đích và hạnh phúc.