Lý do nào để Hà Nội tuyên bố không phong toả diện rộng và tràn lan?

Hải Yến
03/02/2021 - 22:47
Lý do nào để Hà Nội tuyên bố không phong toả diện rộng và tràn lan?

Phụ huynh tiếp tế cho con thuộc diện cách ly tại trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

"Phong tỏa diện rộng an toàn cho chúng ta, nhưng khổ người dân. Thực tế, chỉ cần nắm rõ dịch tễ ca bệnh sẽ không bỏ sót các trường hợp tiếp xúc gần", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nói.

Ngày 3/2, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội.

Tính đến chiều 3/2, Hà Nội đã ghi nhận 21 mắc mới tại cộng đồng. TP đã xét nghiệm được 97,8% (17.502/17.884) người về từ vùng dịch.

Ông Chử Xuân Dũng cũng đề nghị, từ khi phát hiện F0, tối đa trong 4 tiếng, mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 phải chuyển về CDC. 6 tiếng sau CDC phải trả kết quả để nếu âm tính thì sẽ giải phóng được F2, giảm gánh nặng cho địa phương. Nếu CDC chậm trả kết quả, các địa phương có thể nhắn tin báo cáo ngay cho BCĐ Thành phố và ngược lại địa phương mà chậm nộp mẫu xét nghiệm cũng sẽ phải giải trình.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nêu, việc biểu đồ về số ca nhiễm cụ thể là: ngày 28/1: 2 trường hợp; 30/1: 2 trường hợp, 31/1: 11 trường hợp; ngày 1/2: 4 trường hợp; ngày 2/3 là 1 trường hợp và nhận định số ca đang giảm xuống. Với 21 ca mắc, thành phố đã xác định rõ chuỗi lây bệnh và nếu tiếp tục khoanh vùng, truy vết như bây giờ, chúng ta sẽ kiểm soát tốt tình hình.

Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ quan điểm của thành phố về việc thực hiện phong tỏa là không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học và phân tích. "Phong tỏa diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng người dân rất khổ. Phong tỏa rộng mà ở trong lỏng lẻo thì còn nguy hiểm hơn. Phải khoanh vùng phong tỏa chính xác, an toàn", ông Dũng nói.

Lý do nào để Hà Nội tuyên bố không phong toả diện rộng và tràn lan? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định Hà Nội không phong tỏa diện rộng và tràn lan tại cuộc họp ngày 3/2.

 

Xe buýt chỉ được chở không quá 20 khách

Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố cho phép dừng hoạt động phố đi bộ quanh hồ Gươm ngay từ tuần này để chủ động phòng dịch bởi thực tế số lượng người đến không gian này cũng ít trong thời gian qua. 

Trong đêm giao thừa nếu có bắn pháo hoa ở hồ Gươm thì quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố cấm hoàn toàn không gian quanh hồ để đảm bảo an toàn.

Để chuẩn bị cho người dân phải đón Tết trong khu cách ly, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị rà soát các trường hợp cách ly để có thể chuyển người dân về khu cách ly ở ngay hoặc gần địa phương mình để người dân cảm thấy an tâm và tiện cho việc người nhà cung ứng nhu yếu phẩm nếu cần thiết".

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý với đề xuất của sở GTVT về việc xe buýt Hà Nội phải giảm 50% công suất, mỗi chuyến chỉ được chở không quá 20 khách để đảm bảo khoảng cách phòng dịch.

"Hà Nội đã bắt kịp tốc độ lây lan của Covid-19"

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết thêm, trong cuộc họp sáng nay của BCĐ phòng chống Covid-19 quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Hà Nội tích cực chủ động, cơ bản bắt kịp tốc độ lây lan của Covid-19; triệt để truy vết các trường hợp F1, F2; cơ bản xét nghiệm nhóm đối tượng đi từ vùng dịch về; việc khoanh vùng cách ly được tính toán cụ thể vừa đảm bảo phòng dịch vừa phục vụ các hoạt động bình thường khác…



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm