Lý do phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa dễ bị lừa trên mạng

Đinh Thu Hiền
29/04/2025 - 15:18
Lý do phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa dễ bị lừa trên mạng

Hội LHPN tỉnh Bình Phước tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn pháp luật tới phụ nữ vùng sâu, vùng xa và phụ nữ dân tộc

Trong các nhóm đối tượng phụ nữ được Hội LHPN tỉnh Bình Phước ưu tiên trong công tác tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống lừa đảo, đứng đầu là nhóm phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số.

Vào khoảng 16h30 ngày 13/6/2024, chị Nông Thị L., sinh năm 2000, ngụ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02477751098. 

Người gọi tự xưng là Trung úy Nguyễn Đình Sơn, công tác tại Công an tỉnh Bình Phước và thông báo chị L. có liên quan đến đường dây rửa tiền 20 tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Bằng thủ đoạn đọc chính xác thông tin cá nhân, kèm những lời lẽ hù dọa bắt giam, đối tượng liên tục khẳng định chị L. phạm tội và sẽ phải đi tù khiến chị hoảng sợ, mất bình tĩnh. Để phục vụ điều tra và chứng minh chị L. không có liên quan trong đường dây này, thì chị phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của “Cơ quan điều tra” do đối tượng cung cấp. Đồng thời chị phải giữ kín thông tin, không để người thân hoặc người khác biết. Sau khi chuyển gần 30 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp, chị L. nghi ngờ bị lừa nên đã báo cơ quan công an.

Lý do phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa dễ bị lừa trên mạng- Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình zalo của đối tượng lừa đảo chị L. Ảnh: Công an Bình Phước

Đây là một trong các vụ điển hình mà các chị em phụ nữ bị "sập bẫy" kẻ lừa đảo qua mạng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã nhiều lần cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện hù dọa người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (chủ yếu là tiền nộp trực tiếp vào tài khoản ngân hàng hoặc chuyển khoản qua mobile banking). Dù vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác và rơi vào bẫy của kẻ xấu dẫn đến bị mất tiền, cá biệt có người bị mất số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

"Chúng tôi xác định các nhóm phụ nữ là đối tượng ưu tiên trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác dựa trên thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội hiện nay tại tỉnh Bình Phước", đại diện Hội LHPN tỉnh Bình Phước cho phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam biết.

Theo đó, nhóm đối tượng ưu tiên thứ nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Nhóm này thường tiếp cận mạng xã hội nhưng còn hạn chế về kiến thức công nghệ, kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc, thủ đoạn lừa đảo. Dễ tin tưởng người lạ, khó tiếp cận nguồn thông tin chính thống, ngại chia sẻ khi bị lừa.

Nhóm thứ hai là phụ nữ lớn tuổi, sống một mình hoặc chăm lo gia đình có thời gian lên mạng xã hội nhưng không nắm bắt kỹ năng số; dễ bị lừa qua chiêu trò tình cảm, giả danh người nước ngoài, giả cơ quan nhà nước. Dễ hoảng sợ trước những cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát; dễ bị dụ chuyển tiền.

Nhóm thứ ba là phụ nữ có thu nhập trung bình - khá, đang muốn làm thêm tại nhà: đây chính là mục tiêu của các chiêu trò "việc nhẹ lương cao" qua mạng như đánh giá sản phẩm, nghe nhạc online, làm cộng tác viên bán hàng… Rủi ro phải đối mặt là bị lừa nạp tiền để nhận hoa hồng, bị chiếm đoạt tài khoản.

Nhóm thứ tư là phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh online nhỏ lẻ: thường xuyên giao dịch qua mạng, tiếp cận các thông tin đầu tư, hợp tác kinh doanh trên Facebook, Zalo. Dễ bị lừa đầu tư tài chính, mua bán qua app giả, bị chiếm đoạt thông tin tài khoản.
Nhóm thứ năm là phụ nữ từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo: đây là nhóm dễ bị "lừa tiếp" qua hình thức "giúp lấy lại tiền", "hỗ trợ nạn nhân khởi kiện"… Với tâm lý hoang mang, mong muốn gỡ gạc khiến họ dễ bị sập bẫy lần hai.

Trước sự gia tăng của các hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt nhắm vào phụ nữ, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sát với điều kiện thực tế và nhu cầu tiếp cận thông tin của hội viên.

Tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở: Hội LHPN phối hợp với Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ tổ chức các hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, tập huấn tại các xã, thôn, ấp. Qua các ví dụ thực tế, tình huống giả định, cán bộ Hội giúp chị em dễ hiểu - dễ nhớ - dễ áp dụng trong đời sống.

Tuyên truyền thông qua mạng xã hội: Các cấp Hội đã xây dựng, duy trì phát huy hiệu quả của Trang thông tin điện tử, fanpge và hàng ngàn trang/nhóm/cộng đồng trên mạng xã hội để chia sẻ bài viết, video cảnh báo lừa đảo, đây là kênh tuyên truyền hiệu quả với phụ nữ trẻ, phụ nữ biết sử dụng điện thoại thông minh.

Lồng ghép vào sinh hoạt chi hội, mô hình, câu lạc bộ: Nội dung về phòng, chống lừa đảo được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội phụ nữ, các Câu lạc bộ, đội/nhóm và các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Tuyên truyền qua loa truyền thanh, tờ rơi, pano, tranh cổ động: Tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền bằng loa phát thanh, phát tờ rơi minh họa bằng hình ảnh, dễ tiếp cận với người ít biết chữ hoặc không sử dụng điện thoại thông minh.

Tổ chức hội thi, tọa đàm, diễn đàn phụ nữ: Một số chi hội đã tổ chức các buổi thi tìm hiểu, giao lưu, phiên tòa giả định… để tạo không khí sôi nổi, thu hút hội viên tham gia và ghi nhớ kiến thức phòng ngừa lừa đảo hiệu quả hơn.

"Với phương châm "đến tận nơi, nói tận tình, tuyên truyền tận dụng mọi phương tiện", chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thông tin, giúp chị em phụ nữ chủ động, tự tin sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả", đại diện Hội LHPN tỉnh Bình Phước cho biết.

Trước thực trạng nhiều phụ nữ - nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, Hội LHPN các cấp ở tỉnh Bình Phước đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực, sát với nhu cầu thực tiễn của hội viên, phụ nữ.

Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lồng ghép trong nội dung, hoạt động của công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 1800 hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật cho hơn 135 ngàn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. 

Trước diễn biến tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng phức tạp, dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, đặc biệt là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Hội phụ nữ trong địa phương này đã phát huy hiệu quả Trang thông tin điện tử, fanpage của Hội LHPN tỉnh và hàng ngàn trang/nhóm/cộng đồng trên mạng xã hội của tổ chức Hội các cấp đăng tải, chia sẻ trên 10.000 lượt tin, bài, tài liệu, bài viết cảnh báo lừa đảo, video hướng dẫn, infographic sinh động, góp phần truyền thông hiệu quả đến hội viên, phụ nữ.

Từ đầu năm 2025, Hội LHPN tỉnh đã biên soạn và triển khai Sổ tay điện tử "Kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số" dành cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong đó tập trung cung cấp các kiến thức, kỹ năng có liên quan đến đảm bảo an toàn thông tin, phòng ngừa các loại tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạn tài sản. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm