pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lý do tại sao chi tiêu cho giải trí, vui chơi vẫn nên có trong ngân sách của bạn
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, có lẽ ai trong số chúng ta cũng đã thấy rõ tác dụng của khoản tiền tiết kiệm. Nhiều người bắt đầu hình thành thói quen tiết kiệm chi tiêu và hạn chế sử dụng tiền cho những khoản không cần thiết, nhất là trong quãng thời gian giá xăng dầu cùng các loại mặt hàng thực phẩm đang tăng cao như hiện nay.
Đã có không ít người luôn sống trong tình trạng tằn tiện quá mức, không dám đi ăn cùng bạn bè, đi du lịch hay mua sắm quần áo. Trong khi đó, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng… bạn luôn chăm chỉ kiếm tiền để rồi quẩn quanh với nỗi lo cơm áo - gạo tiền đến mức ám ảnh và stress liên miên.
Có lẽ đã đến lúc bạn cần nhận ra 1 điều rằng, chăm sóc cho bản thân thực sự quan trọng.
Tại sao bạn cần 1 kế hoạch cho những khoản vui chơi, giải trí?
Chúng ta vẫn thường hoang mang với câu hỏi: "Nên tiết kiệm cho tương lai" hay "tiêu pha như thể ta chỉ sống 1 lần". Nguyên nhân là bởi bạn vẫn đang nhầm lẫn giữa việc xác định nhu cầu vui chơi, giải trí là hoạt động không cần thiết và không nên dành tiền cho các khoản này.
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự thưởng cho mình một khoản nho nhỏ trong tổng thu nhập, chỉ cần bạn có kế hoạch hợp lý và “ép” bản thân tuân thủ những quy định do chính bạn đặt ra.
Bên cạnh đó, quyết định ngân sách có mục đích cho mỗi khoản chi tiêu giúp bạn không cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền. Đặt ngân sách để tự thưởng cho bản thân, chẳng hạn như một ngày ăn thỏa thích trong quá trình giảm cân hoặc một ngày nghỉ ngơi không chạy bộ trong tuần.
Bạn nên biết rằng, đối xử tốt với bản thân đúng cách để tiếp tục nỗ lực đạt được các mục tiêu tài chính lớn hơn hoàn toàn là 1 điều chính đáng. Và lập ngân sách cho khoản tiền này sẽ giúp bạn dễ dàng bám sát ngân sách chi tiêu và tự thưởng cho bản thân. Chi tiêu thông minh có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản hàng ngày và đạt được các mục tiêu tiết kiệm còn mang lại niềm vui cho bạn.
“Ngân sách không giới hạn sự tự do của bạn. Ngược lại, nó mang đến cho bạn sự tự do về cả tài chính lẫn tinh thần", Rachel Cruze - Tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, chuyên gia tài chính và người dẫn chương trình The Rachel Cruze Show nói.
Roger Ma - Nhà lập kế hoạch tài chính, đồng thời là người sáng lập lifeelaidout có trụ sở tại New York và là tác giả của cuốn sách "Cách cân bằng giữa sự nghiệp và tài chính cá nhân để đạt được điều bạn muốn" nói rằng: "Đây là thời điểm tuyệt vời để xem xét lại các khoản chi tiêu của bạn trong vòng từ 3 đến 6 tháng qua."
Vào tháng 5, giá cả của các mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn 8,6% so với 1 năm trước, theo báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.
Vì điều này, 61% người Mỹ nói rằng họ lo lắng về tình hình tài chính của mình - kết quả được lấy từ 1 cuộc khảo sát trên 1.000 người trưởng thành do Toluna thực hiện từ ngày 23 đến 29/3 vừa qua.
Người Mỹ vẫn đang vật lộn với lạm phát tồi tệ nhất trong khoảng 40 năm và nhiều người đang phải thay đổi thói quen chi tiêu. Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn cho rằng họ sẽ chi nhiều tiền hơn cho mua sắm, chăm sóc cá nhân, cải tạo nhà cửa và nhu cầu vui chơi, giải trí.
Bao nhiêu tiền cho 1 khoản vui chơi, giải trí là hợp lý?
Theo Chuyên gia Tom Corley, con số lý tưởng nhất là 10% tổng thu nhập sau thuế của bạn. Nó bao gồm những lúc đi ăn ngoài, tiệc tùng, xem phim, spa thư giãn, gym hoặc thậm chí một chuyến du lịch.
Ví dụ: Bạn biết rằng mình sẽ có 20 triệu đồng để tiêu xài cho tháng này thì bạn không nên tiêu quá 2 triệu đồng cho giải trí trong tháng.
Cũng theo Corley, bạn nên cố gắng tiêu dùng dưới mức 10% này. Con số này trông có vẻ nhiều, nhưng có thể các hóa đơn thẻ tín dụng của bạn đã vượt qua nó từ lâu.
Ngoài ra, đối với phụ nữ thì chỉ nên dành khoảng 5% tiền lương hàng tháng để mua quần áo.
Ví dụ, nếu bạn chỉ kiếm được 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Về lý thuyết, bạn không được chi cho quần áo quá 175.000 đồng, tức là cả năm khoản tiền dành cho việc này sẽ chỉ dao động khoảng 2,1 triệu đồng.
Tất nhiên, tùy từng trường hợp mà con số này sẽ khác nhau.
Ví dụ, con số 5% của phụ nữ độc thân với mức lương 90 triệu đồng khác với con số 5% của gia đình 4 người với thu nhập 20 triệu đồng. Hoặc nếu bạn có công việc phải đi lại nhiều, gặp gỡ đối tác và khách hàng nhiều thì bạn sẽ phải chi nhiều hơn. Ngược lại, nếu là 1 người theo chủ nghĩa tối giản, bạn sẽ tiết kiệm được tối đa ngân sách của mình.
Trong trường hợp bạn có ngân sách eo hẹp, lương thấp, hoặc có các mục tiêu tài chính khác (ví dụ như trả nợ), bạn không nên chi quá 5% tổng thu nhập hàng tháng.
Ngoài ra, có 1 minh chứng đã được đưa ra rằng, 1 người chỉ mặc khoảng 20% tủ quần áo của họ. Một nửa số phụ nữ không sử dụng đến 35% số quần áo mà họ có, gây lãng phí trung bình 600 USD/năm (tương đương gần 14 triệu đồng). Do đó, bán bớt những món đồ bạn có là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền và sống một cuộc sống tối giản hơn. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự bừa bộn trong tủ quần áo, làm cho mọi thứ trở nên tươi mới hơn mà những món đồ bạn sử dụng cũng sẽ "có chọn lọc" hơn.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn lập ngân sách từ con số không (Zero-Based Budgeting), từng đồng tiền trong ngân sách phải mang lại lợi ích cho bạn và nó phải được chứng minh khi tiêu dùng. Và chi tiêu cho giải trí không phải là lý do để lãng phí. Nó là một cách khác để bạn tuân theo ngân sách của mình.
Nguồn: Financialbestlife, Ramsey Solutions, CNBC