pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lý giải hiện tượng chồn nhiễm Covid-19 bị tiêu hủy "đội mồ sống dậy" trong các hố chôn tập thể
Theo CNN, cách đây không lâu, những con chồn Bắc Mỹ (Mink) nhiễm chủng Covid-19 đột biến ở Đan Mạch đã bị tiêu hủy để đảm bảo an toàn.
Mới đây, người dùng Twitter ở Đan Mạch lại bàn tán rôm rả về chuyện nhìn thấy chồn chết "đội mồ sống dậy", thậm chí động đậy không khác gì zombie (xác sống).
Cụ thể hơn, hiện tượng kỳ dị này đã khiến người dân ở Tây Jutland kinh sợ.
Bằng chứng về Covid-19 trên động vật là có, nhưng việc chúng có thể sống dậy như zombie thì chưa có cơ sở khoa học nào hết.
Theo Guardian, người phát ngôn của Cảnh sát Đan Mạch Thomas Kristensen, khẳng định nguyên nhân chính là khí gas sinh ra trong quá trình xác chồn phân hủy.
"Số lượng xác chồn quá lớn, khí gas sinh ra trong quá trình phân hủy đã đẩy những con chồn ở phía trên lên khỏi mặt đất", Thomas cho hay.
Trước đó, nhà chức trách Đan Mạch đã cắn răng tiêu hủy khoảng 15 triệu con chồn (chiếm 40% sản lượng lông chồn trên thế giới) để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Vì quá trình chôn xác chồn diễn ra quá gấp gáp, hàng triệu con đã bị ném xuống hố chôn khá nông, chỉ khoảng 1m. Còn thời điểm hiện tại, để tránh hiện tượng xác chồn tòi lên mặt đất, họ đã phải đào hố sâu hơn. Đương nhiên những khu vực này sẽ được canh chừng 24/7 cho đến khi hàng rào được dựng lên.
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại khi các hố chôn tập thể rất gần sông và nguồn nước trong khu vực. Theo tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten, hiện có ít nhất 2 thị trường đề nghị đốt xác chồn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Theo USA Today