pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ly hôn - câu chuyện trên bàn tròn xã hội - Bài 1: Các vụ ly hôn “có một không hai”
Cung bậc ly hôn
Không phải là địa bàn đông dân ở Thủ đô Hà Nội nhưng Đông Anh là huyện có tỷ lệ án ly hôn đứng thứ 2 ở Hà Nội, chỉ sau quận Đống Đa. Theo thống kê, năm 2022, số vụ ly hôn trên địa bàn huyện Đông Anh là 974 vụ; 9 tháng của năm 2023 là 652 vụ.
Bà Đỗ Thị Vân, Phó Chánh án TAND huyện Đông Anh cho biết, tỷ lệ ly hôn trong 5 năm trở lại đây rất cao và đa dạng về lứa tuổi. Có cụ ông đã bước qua tuổi 80 cũng ra tòa nằng nặc xin ly hôn bởi "sợ sau này chết nếu chưa ly hôn thì ở thế giới bên kia tôi vẫn là chồng bà ấy!".
Tuy nhiên, cũng có những đôi trẻ ly hôn chỉ vỏn vẹn sau 2 tháng đăng ký kết hôn. "Khi ra tòa nộp đơn, thái độ vui vẻ của cặp đôi khiến tôi kinh ngạc. Cả hai chở nhau đến tòa, nói cười vui vẻ và cho biết, mới đăng ký kết hôn chứ chưa làm đám cưới. Cả hai thấy có nhiều vấn đề không hợp nên ra tòa xin ly hôn.
Dường như họ đã tìm ra được "giải pháp" tốt, đó là ly hôn. Họ nhờ tôi giải quyết nhanh để đỡ mất thời gian", bà Vân kể.
Ngoài ra, theo vị thẩm phán này, có những cặp đôi lại xem hôn nhân "như một trò đùa" khi TAND huyện Đông Anh đã 3 lần giải quyết ly hôn cho vợ chồng này vì cứ sau ly hôn thì họ… yêu lại từ đầu, kết hôn, có con rồi lại ly hôn. Ngược lại, có cặp vợ chồng vốn rất hạnh phúc, yêu nhau từ thuở thanh mai trúc mã, kết hôn khi cả 2 vẫn còn trắng tay, cùng xây dựng cơ nghiệp giàu có nức tiếng.
Thế nhưng, một ngày, họ lại ra tòa yêu cầu giải quyết ly hôn. Khi hỏi về lý do, thẩm phán vô cùng bất ngờ khi cả vợ lẫn chồng đều nói rằng "tự dưng thấy không còn tin nhau" mặc dù không ai ngoại tình cũng không có mâu thuẫn gì căng thẳng. Thẩm phán đã phân tích, thuyết phục nhưng họ nhất quyết "phải ly hôn vì thấy không còn tin nhau nên không sống tiếp với nhau được nữa"…
Mấy chục năm làm ở tòa án, ngồi xét xử rất nhiều vụ ly hôn, bà Vân nói rằng, có vô vàn lý do dẫn đến ly hôn như mâu thuẫn gia đình, chồng rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình, ngoại tình…
Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào thì sau mỗi vụ ly hôn đều để lại trong bà sự tiếc nuối, thậm chí là đau xót. Bà Vân kể, cách đây chưa lâu bà giải quyết cho một cặp vợ chồng thuận tình ly hôn, người vợ là giáo viên. Đôi vợ chồng có 2 người con, trong đó con gái lớn đang học lớp 7, cháu học rất giỏi. Sau phiên tòa, người vợ nuôi con nhỏ, người chồng nuôi con lớn.
Cũng sau phiên tòa, cô bé học giỏi ngày nào đã trở nên lầm lì, ít nói và rơi vào trầm cảm. Bố lấy vợ mới đã không quan tâm chăm sóc con gái, lại còn thường xuyên quát mắng khiến cô bé trốn về nhà mẹ cách nhà hơn 50km.
Tuy nhiên, sau khi người vợ biết chuyện, nộp đơn ra tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, người bố nhất quyết không đồng ý. Cán bộ tòa án phải đi lại rất nhiều lần để thuyết phục và cả "vận động hành lang" người thân, cuối cùng cô bé mới được trở về trong vòng tay mẹ.
Bà Đỗ Thị Vân cũng không khỏi xót xa khi cho biết, những năm gần đây, số vụ ly hôn do chồng phát hiện con không phải là con ruột của mình cũng xảy ra nhiều hơn, khoảng 10 vụ/năm.
"Có trường hợp người chồng phát hiện cả 2 con đều không phải con ruột sau khi xét nghiệm ADN", bà Vân chia sẻ. Trường hợp này TAND huyện Đông Anh phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết bởi liên quan đến khối tài sản.
Người chồng nói rằng, tài sản gồm nhà và đất được bố mẹ chồng cho nhưng vợ là người gian dối nên anh không thể chia cho vợ. Anh này cũng cho biết thêm, nếu biết 2 đứa cháu nội không phải là cháu ruột không bao giờ bố mẹ anh cho đất, cho nhà… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, tài sản này vẫn phải chia đôi và rất khó khăn mới giải quyết được vụ việc.
Nhất quyết ly dị vợ vì… người giúp việc
Trong quá trình đồng hành cùng các thân chủ giải quyết ly hôn tại tòa, luật sư Nguyễn Bích Liên (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, chị không bao giờ quên được từng chi tiết gay cấn của 1 vụ ly hôn. Hai nhân vật chính đều đã ở lứa tuổi "xưa nay hiếm", sống tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Họ có cô con gái đã trưởng thành và yên bề gia thất.
Kinh tế của các cụ rất khá giả, là mô hình gia đình đáng ngưỡng mộ của bà con dòng họ và lối xóm. Nhưng vào 1 ngày "đẹp trời", ông cụ lại phải lòng người giúp việc trong nhà. Khi sự việc bị phát hiện, ông nhất quyết ra tòa ly hôn người vợ đầu ấp tay kề nửa thế kỷ. Và bà vợ đã nhờ luật sư Nguyễn Bích Liên hỗ trợ, tư vấn pháp lý.
"Việc ly hôn bắt đầu rắc rối khi vướng vào chuyện chia tài sản. Thân chủ của tôi cùng gầy dựng cuộc sống với chồng trong hơn 50 năm, trong số các tài sản có giá trị là căn nhà mặt tiền nằm tại vị trí trung tâm quận Bình Thạnh. Căn nhà đó được ông bà cho người con gái ruột thuê có hợp đồng dài hạn và cô con gái của họ cho 1 ngân hàng thuê làm trụ sở. Cô con gái không vừa ý với cách hành xử của ba nên bị ông cụ ghét bỏ, kiện ra tòa, đòi lại căn nhà cho thuê", luật sư Liên kể chuyện.
Để có người đồng hành, cô con gái cũng nhờ luật sư Nguyễn Bích Liên hỗ trợ pháp lý khi ra tòa. Tại tòa, ông cụ đã chửi bới vợ con và la lối cả luật sư bằng những lời lẽ hết sức dị hợm.
Luật sư Liên cho biết: "Trước đây, tất cả những người quen biết đều nhận xét ông cụ là người rất điềm tĩnh, không bao giờ có cách hành xử như vậy. Giờ, chỉ vì tình yêu với cô giúp việc mà ông thay đổi hẳn tính cách, cạn tình nghĩa với vợ con".
Không đòi được nhà cho con gái thuê vì hợp đồng đã ký dài hạn, ông cụ bực tức, hàng ngày tới trụ sở ngân hàng chăng dây, gây khó dễ cho hoạt động bình thường của ngân hàng. Ngày nào trong gia đình cũng xảy ra các chuyện ồn ào, làm phiền tới nhiều người xung quanh.
Vụ việc ly hôn kéo dài, cô con gái và bà mẹ có lần hỏi luật sư Liên rằng, khi nào kết thúc, luật sư trả lời, nếu ông cụ cứ gây ra nhiều chuyện thế này thì có lẽ tới khi nào ông cụ mất đi thì mới xong. Một tuần sau đó, ông cụ đi khám bệnh thì phát hiện ra ung thư phổi.
Từ lúc nghe ông bệnh, cô giúp việc cũng không bám víu vào ông nữa, đi đâu mất biệt. Chỉ còn lại bà vợ và con gái thường xuyên chăm nuôi. Những ngày ở bệnh viện, không còn cô giúp việc kế bên, ông cụ đã "tỉnh thức". Ông gửi đơn ra tòa xin kết thúc vụ kiện con gái và cũng rút đơn xin ly hôn vợ. Thời gian ngắn sau thì ông mất.
"Tôi nhớ như in từng tình tiết, từng câu nói của vụ ly hôn đặc biệt này. Con người rất kỳ lạ, họ thay đổi rất nhanh về chuyện tình cảm. Cho tới tận giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với thân chủ của mình và cảm ơn họ đã chia sẻ tất cả những câu chuyện bí mật gia đình của họ để luật sư hiểu và tìm được cách giải quyết ổn thỏa nhất", luật sư Nguyễn Bích Liên cho biết.
Vấn đề gia đình đáng lưu tâm
Theo thẩm phán Đỗ Thị Vân, ngày nay truyền thống gia đình đang "có vấn đề". "Không ít phụ nữ khi ra tòa thẳng thắn thừa nhận có quan hệ tình cảm với nhiều người và… không còn yêu chồng nữa nên ly hôn. Xu hướng ngoại tình đang rất đáng báo động", bà Vân kể.
Là người thụ lý rất nhiều vụ án ly hôn, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Đồng Tâm, cũng cho rằng: "Tôi rất đồng ý với quan điểm xu hướng thực dụng đang xâm nhập vào quan hệ hôn nhân và gia đình. Những toan tính, vụ lợi, ích kỷ nhỏ nhoi đang ngày càng làm tổn thương đến tình cảm gia đình. Ở một số người, quan niệm về hôn nhân đang trở nên đảo lộn, tính nghiêm túc của hôn nhân đang bị coi thường".
Luật sư Hoàng cũng cho rằng, sự phát triển của số hóa cũng mang lại mặt trái, ảnh hướng đến các mối quan hệ gia đình, vợ chồng. Quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; tình trạng ngoại tình, tỷ lệ ly hôn cao.
Luật sư Hoàng nói: "Cuộc sống hiện đại khiến sự tương tác giữa những thành viên trong gia đình ngày càng ít và tình yêu, lòng chung thủy, sự sẻ chia cũng phai nhạt. Khi các quan hệ của vợ chồng mất sự chia sẻ, quan tâm kéo theo chất lượng đời sống hôn nhân cũng sẽ mong manh, dễ vỡ".
Luật sư Nguyễn Bích Liên đưa ý kiến: "Gia đình là nơi để trở về. Mà nơi trở về bao giờ cũng cần sự ấm áp và vui vẻ. Xây thì khó và lâu, phá thì dễ và nhanh. Sự ly tán của các câu chuyện tưởng là rất cá nhân nhưng lại có tác động không tích cực tới sự phát triển của xã hội. Vì vậy, cần nhìn nhận tỉ lệ ly hôn cao ở góc nhìn rộng hơn và có trách nhiệm hơn".
Bài sau: Vì sao tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cao?