Lý Sơn vang mãi bản hùng ca

05/07/2016 - 08:24
Trong hành trình "giong buồm đi mở cõi", hàng trăm binh sĩ Hải đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển.
Nằm cách xa đất liền 17 hải lý (khoảng 30km), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là mảnh đất trên 3.000 năm trước đã có những cư dân Sa Huỳnh vượt sóng ra lập nghiệp, kiên trì bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đây cũng là quê hương của đội "Hùng binh Hoàng Sa", được Chúa Nguyễn tuyển chọn, giao nhiệm vụ đi Hoàng Sa tìm kiếm sản vật, tuần phòng biển Đông, cứu trợ tàu thuyền ngư dân bị đắm; cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc...

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ được rất nhiều di tích và tư liệu quý giá, minh chứng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Ông Phạm Gia Tĩnh, hậu duệ 6 đời của cụ Phạm Quang Ảnh - đội trưởng Hải đội Hoàng Sa (gồm 3 thuyền, 70 suất lính), cho biết: Tất cả những chuyến đi của đội Hùng binh trong suốt 300 năm đều được nhận sắc chỉ vua ban, sự hiện diện của ngư dân và đội Hùng binh là minh chứng hùng hồn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, nhiều báu vật và sắc chỉ đã bị thất lạc, nhưng rất đáng mừng là nhiều gia tộc ở Lý Sơn vẫn còn lưu giữ được những báu vật này cho đến ngày nay. Ví dụ dòng tộc họ Đặng ở xã An Hải, hậu duệ của cụ Đặng Văn Siểm (ông tổ đời thứ 15 dòng họ Đặng) - một trong 25 lính thủy nhận lệnh của vua Minh Mạng ra canh giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1834, còn giữ được những tờ sắc phong cổ cách đây ngót 200 năm. Tháng 4/2010, gia tộc họ Đặng đã hiến tặng những tư liệu trị lịch sử quý giá này cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Trong hành trình "giong buồm đi mở cõi", hàng trăm binh sĩ Hải đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển. Hàng thế kỷ nay, cứ tháng 2, tháng 2 Âm lịch, 13 họ tộc ở đảo Lý Sơn lại long trọng tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", niềm tự hào về vùng đất quê hương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, kế tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước của tổ tiên, cha ông.
Lý Sơn nhìn từ miệng núi lửa Thới Lới.
Âm Linh Tự (xây dựng từ thời nhà Nguyễn) thờ những người lính Hoàng Sa.
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa.
Trên đảo có hàng chục Nhà thờ tổ với hàng trăm năm tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm