Lý do của người trong cuộc
Năm 1994, chị Nguyễn Thị Nga (Tiên Du, Bắc Ninh) bước vào tuổi 18 thì lên xe hoa theo chồng. Họ từng có những năm tháng yêu đương, hò hẹn. Chồng chị là con út trong một gia đình khá giả ở thôn bên cạnh.
Sau ngày cưới ít lâu, họ lần lượt sinh con, một gái một trai. Rồi vợ chồng lại cùng bảo ban nhau chung sức làm ăn. Càng ngày, kinh tế gia đình càng ổn định, giàu có hơn. Năm 2004, vợ chồng đã quyết định đầu tư tiền xây một căn nhà 2 tầng. Chị Nga từng nghĩ với sự khang trang, rộng rãi của nhà mới, cuộc sống gia đình mình sẽ đàng hoàng, no ấm, hạnh phúc hơn. Chị đâu ngờ, chính những ngày khởi công xây nhà, chồng chị đảm nhiệm việc giám sát, thường xuyên ăn nhậu với những người thợ.
Gần 5 tháng trôi qua, ngày khánh thành nhà mới cũng là ngày chị Nga nhận ra chồng rất hay uống rượu. Tệ hơn, cứ mỗi lần uống hơi nhiều, chồng lại đổi tính, ghen tuông. Nếu thấy vợ giải thích, thanh minh là đánh. Buồn, thất vọng, chị Nga tìm cách “tránh chồng” bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Macao. Khi về, chị vẫn không thể gần gũi được chồng. Cả hai ở chung một buồng nhưng ly thân. Vậy là, chồng chị lại càng hành hạ vợ về thể xác nhiều hơn. Song chị Nga đều vẫn giấu. Mọi việc diễn ra sau cánh cửa đóng chặt. Sự việc đã kéo dài trong hơn 5 năm cho đến khi trong một trận đòn, chị Nga bị chảy máu quá nhiều và phải đi bệnh viện cấp cứu, mọi người xung quanh mới bắt đầu biết chuyện… Lúc cơ quan chức năng đến can thiệp, tìm hiểu lý do vì sao chị lại chọn cách sống ly thân, chịu đựng cuộc hôn nhân bất hạnh, chị Nga cho biết, hai con đều đã lớn, vào cấp 2 cả rồi. Chị không muốn chúng biết chuyện bố mẹ bất hòa. Chị chỉ muốn giữ lấy gia đình, vì con.
Với chị Đào Thị Huyền, (34 tuổi, Bạch Hạc, T.p Việt Trì, Phú Thọ) đang giữ chức quản lý nhân sự của công ty bảo hiểm. Chồng chị làm bên ngành Thương binh và xã hội. Sau khi sinh con được gần 5 tháng, chị Huyền và chồng đã sống ly thân. Chị Huyền cho biết: “Mọi chuyện xuất phát từ việc sau khi tôi nghỉ sinh, vợ chồng không gần gũi. Tôi phát hiện ra chồng bắt đầu bồ bịch. Nhưng khi vợ hết ở cữ, chồng vẫn chứng nào tật ấy. Anh ta không bỏ mối quan hệ kia. Anh ta bảo sẽ không ly hôn, sẽ cứ sống với tình nhân và vẫn muốn giữ gia đình”.
Đã gần 5 năm trôi qua, vợ chồng sống cùng nhà nhưng không ngủ cùng giường. Việc ai người nấy làm. Chồng chị vẫn bồ bịch và thuộc kiểu "ăn vụng biết chùi mép". Anh ta hầu như rất ít ăn cơm ở nhà. Mỗi tháng, đưa cho chị 2 triệu đồng bảo là nuôi con và đóng sinh hoạt phí. Được cái, mỗi khi họ hàng hai bên có việc, người này vẫn có trách nhiệm “đóng vai” cho thật tròn. Thành ra, nhìn bề ngoài, chẳng ai biết vợ chồng chị đang trục trặc. Hỏi chị Huyền vì sao không ly hôn mà lại chấp nhận cảnh sống hạnh phúc giả, chị Huyền bảo: “Sống giấu diếm, hai mặt thế này cũng mệt, nhưng cũng phải chịu vì còn phải tính toán nhiều. Một là ở cơ quan, trong mắt mọi người mình cũng đã trót mang tiếng là người khéo léo, biết vun vén cho gia đình, giờ lộ ra, rất sợ bị đánh giá. Hai là nếu ly hôn, tòa xử tài sản là căn nhà thì của anh ta, mẹ con mình sẽ đi đâu, về đâu? Hơn nữa, biết đâu sẽ có ngày anh ta tu tỉnh mà quay lại thì mình có thể tha thứ được. Bởi, mình nghĩ trước hết là cho con.
Mình không muốn tước đi của con cái quyền có cha, con phải lớn lên trong một gia đình khuyết thiếu, con sẽ không phát triển được nhân cách một cách hoàn thiện. Vả lại, nếu tái hôn, mình sợ cũng sẽ khó khăn cho người phụ nữ và chưa chắc người ấy có tốt, có trách nhiệm được với con như là bố đẻ của nó”.
Theo chuyên gia Tâm lý, TS Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm T.p Hồ Chí Minh): “Thực tế cho thấy, việc ly thân có những ý nghĩa của nó. Đó là giai đoạn tạm thời đình chiến, đó là lúc mỗi người nhìn lại chính mình, đó là thời gian mỗi người tự điều chỉnh, sửa sai, thậm chí là cơ hội để hai người thực sự nhìn lại xem có thực sự cần nhau hay không để xem xét và đưa ra quyết định... Tuy nhiên, ly thân không thể là màn kịch trong một thời gian quá dài. Khi ly thân, cả cha và mẹ cần công bằng với con trẻ. Con trẻ khi bắt đầu có nhận thức về quan hệ gia đình, sau 3 tuổi có quyền biết về vấn đề này nhưng ở một mức độ nhất định. Việc cha mẹ ly thân nhưng theo kiểu ly hôn ngầm, vẫn giấu con cái hay thậm chí “giả tạo” trước mặt con cái sẽ đem lại những cảm xúc tiêu cực cho con cái. Mất niềm tin về cha mẹ, mất niềm tin về tình yêu, tổn thương về cái tôi lý tưởng đối với hình ảnh gia đình... Vì thế cha mẹ cần thực sự bình tĩnh nhưng thẳng thắn và cân nhắc trước khi quyết định ly thân. Và nếu có quyết định cũng cần thực sự chia sẻ tinh tế nhưng rõ ràng với con cái để tạo sự công bằng trong cuộc sống chung để tránh những thương tổn không đáng có".
|