pnvnonline@phunuvietnam.vn
Má dạy tôi làm người
Bà Lê Ngọc Thu, con gái Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập
"Mắc cỡ với má"
Má Nguyễn Thị Thập (dì Mười Thập) là đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1974. Má Thập có 3 người con, trong đó có người con trai lớn tên Lương Quang Thuận, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1953 và con trai út tên Lê Văn Quang hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1967. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cô con gái giữa của má Thập tên Lê Ngọc Thu đã vừa kể cho phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam những kỷ niệm về sự dạy bảo, chia sẻ của má. Bà Lê Ngọc Thu, sinh năm 1937, hiện nghỉ hưu tại TP HCM sau nhiều năm liền cống hiến trong ngành giáo dục Thành phố. Bà Thu kể, cuối những năm 1949 đầu những năm 1950, khi bà mới ở tuổi thiếu nữ đã tham gia làm liên lạc cho Cách mạng tại địa phương. Vào năm 1952, bà được má Thập đón từ Đồng Tháp Mười về phụ việc tại Cơ quan Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ đóng tại Bạc Liêu. Công việc của bà khi ấy là lấy thư từ, tài liệu, công việc văn phòng.
Sau khi đưa cô con gái về Bạc Liêu làm việc, má Nguyễn Thị Thập chuẩn bị ra Bắc học lớp chính trị tại Việt Bắc. Các cô trong Hội Phụ nữ khi ấy như cô Tư Định, cô Hai Được đã động viên thiếu nữ Lê Ngọc Thu đi học văn hóa cấp 2. "Các cô nói thế nào tôi cũng không chịu đi học vì phải học chung với mấy anh giao liên. Trong suy nghĩ non nớt và háo thắng của tôi khi ấy, là má mình làm lớn mà mình lại phải đi học với mấy người nhân viên, thì tôi không chịu. Ai nói gì cũng không chịu", bà Lê Ngọc Thu nhớ lại.
Để thuyết phục Thu tới lớp học văn hóa, bà Nguyễn Thị Sáu, phu nhân của nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh (mọi người thường gọi là bà Nguyễn An Ninh) khi đó đã động viên Lê Ngọc Thu: "Má đi học nè, Thu cũng đi học nha!". Nhưng Lê Ngọc Thu khi đó còn phụng phịu lắm.
Các cô trong Hội Phụ nữ đã nghĩ ra cách đưa tên của Lê Ngọc Thu vào bảng tên "không chịu học", treo ở nhiều phòng ban. Hàng ngày đi tới đi lui các nơi này, nhìn thấy bảng bêu tên như vậy, Thu mới đành đi học. Rồi Thu nói với bà Nguyễn An Ninh: "Con đi học rồi thì nhớ bỏ bảng tên xuống". Tất nhiên là mọi việc sau đó xuôi chèo mát mái.
Hiệp định đình chiến năm 1954, má Nguyễn Thị Thập quay trở lại Bạc Liêu. Mấy cô trong Hội Phụ nữ đã tranh thủ "méc" với má về chuyện Lê Ngọc Thu "chống đối" việc đi học ra sao. Má Thập gặp cô con gái, hỏi: "Con ở nhà thế nào? Má nghe nói con làm tốt, chịu khó. Nhưng lại không chịu đi học. Con nghĩ con đã làm gì cho Đảng, cho Nhà nước mà đòi là "công thần"? Má bao năm liền đi làm việc mà vẫn còn cảm thấy chưa đủ. Con hãy tự suy nghĩ đi!".
"Chỉ một câu nói của má: Con nghĩ con đã làm gì cho Đảng, cho Nhà nước mà đòi là "công thần", khiến tôi thấy mắc cỡ với má, với mọi người rất nhiều. Bắt đầu từ đó, tôi đã thấu hiểu được mọi lẽ ở đời", bà Lê Ngọc Thu tâm sự.
Lời mẹ dạy theo suốt đời con
Là con gái của một phụ nữ xuất chúng, lại sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, bà Lê Ngọc Thu rất ít khi được gặp má của mình. "Lâu thiệt lâu, tôi mới được gặp má một lần", bà kể. Bà cho biết, má Nguyễn Thị Thập trong các lần gặp con hiếm hoi, đều dặn con là má với ba một đời này đi theo Đảng để lo giải phóng dân tộc. "Do vậy, chỉ có tư tưởng thương yêu dân chứ tuyệt đối không được thắc mắc về lương bổng", má Thập dạy con gái Lê Ngọc Thu những lời chí tình.
"Chính vì lời dạy của má, mà bao nhiêu năm tôi lăn lộn đi làm từ Bắc vào Nam, đều mang đức tính nhường cho người khác. Khi tôi về Sở Giáo dục TPHCM công tác, người ta hỏi tôi: Chị Thu, sao chị có bằng Đại học mà lương lại thấp đến như vậy? Tôi trả lời, vì bao nhiêu năm qua, cứ tới vào dịp tăng lương thì tôi lại nhường việc ấy cho người khác. Tôi luôn nhớ những lời má nói: Đảng cho mình được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, chứ đừng đòi hỏi. Tư tưởng của má đã ảnh hưởng và đi theo suốt cuộc đời của tôi", bà Lê Ngọc Thu cho biết.
Bắt đầu vào nghề giáo năm 1965, cho tới khi nghỉ hưu năm 1995, bà Lê Ngọc Thu đã sống cuộc đời thanh đạm và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách của má Nguyễn Thị Thập. Khi nghỉ hưu tại địa phương, bà Lê Ngọc Thu đã rất nhiệt tình tham gia các công tác tại khu phố. Ở khu phố 2, P.12, Q.4, TP HCM, người dân đều nhớ tới bà cùng các hoạt động lo các bữa ăn miễn phí cho người nghèo; vận động kinh phí để xây dựng nhà tình thương; trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, quyên góp quần áo cũ, thuốc chữa bệnh cho người nghèo…
Trong ký ức và dòng hồi tưởng về má Nguyễn Thị Thập, bà Lê Ngọc Thu đã đọc bài thơ "Thương mẹ" được viết năm 1967 khi hay tin em trai hy sinh tại Tây Ninh. Bài thơ có đoạn: "… Trời hôm nay mưa rơi tầm tã/Giữa đêm trường gió rét lạnh từng cơn/Con lặng nghe tiếng mẹ hiền đau khổ/ Tiếng xé lòng người dâu trẻ cô đơn/ Đau da diết mối tình duyên dang dở/Như giục cùng tiếng trống nhịp con đi/Mẹ yêu ơi, mỗi bước cùng Tổ Quốc/Có máu xương người ruột thịt thương yêu/ Hướng vầng dương mẹ luôn không chùn bước/Có chúng con, tiếp sức bên mẹ hiền!".