Mắc bệnh tâm thần vì sống ảo trên mạng xã hội

15/03/2017 - 10:49
Không ít trường hợp lạm dụng các trang mạng xã hội, trong đó có facebook, nên bị thế giới ảo bỏ 'bùa mê, thuốc lú', thậm chí mắc bệnh tâm thần.
Mang bệnh vì sống ảo

Mới đây, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn T., 23 tuổi (ở Ninh Bình). T. nhập viện sau thời gian đắm chìm trong “thế giới ảo”.

Gia đình T. cho biết, học xong cấp 3 thì T. nghỉ học, ra Hà Nội làm nhân viên thị trường cho một số công ty. Khi kinh tế khó khăn, các công ty buộc phải giảm bớt nhân sự, T. thất nghiệp. Hằng ngày, T. ở nhà, lên mạng tìm kiếm cơ hội việc làm, rồi sau đó là tham gia một số diễn đàn và các trang mạng xã hội như facebook.
1.jpg
Không ít trường hợp bị mạng xã hội bỏ "bùa mê, thuốc lú"
Thời gian đầu, khi tham gia kết bạn và chia sẻ trên trang mạng này, T. cảm thấy rất phấn chấn, bởi qua đó, cậu không chỉ có thêm nhiều bạn, biết về các hoạt động, suy nghĩ của họ, mà còn chia sẻ được những bức xúc, lo lắng của mình mà bình thường không dám nói với mọi người... Thế rồi, T. vào mạng và giao lưu ở đó đến quên ăn, ngủ lúc nào không hay. Thay vì ra ngoài tiếp xúc với con người thực, cuộc sống thực, T. suốt ngày ôm máy tính để nói chuyện với các bạn “ảo”, bình luận trên trang của họ, rồi lại chờ họ bình luận về các "status" của mình...

Đến một ngày, T. bắt đầu có biểu hiện chán ăn, mất ngủ, sức khỏe suy kiệt, nói nhiều, lảm nhảm, thường ảo tưởng bản thân là mình tài giỏi, không làm chủ được hành động... nên gia đình buộc phải đưa T. đến bệnh viện.

Cũng phải đến viện do hậu quả của facebook, song trường hợp của Lê  Huyền A., 18 tuổi (quê Bắc Ninh) lại khác. Gia đình làm nghề kinh doanh, khá giàu có nên Huyền A. được “trang bị” đầy đủ máy tính cá nhân, iPhone, iPad… Thế nhưng thay vì tận dụng tiện ích từ các thiết bị hiện đại, ngày ngày, Huyền A. chỉ dùng chúng để vào facebook “buôn chuyện”. Cũng từ trang mạng này, cô quen rồi nảy sinh tình cảm, trở thành “người yêu ảo” của một chàng trai. Gần đây, nghe “người yêu ảo” rủ rê, cô đã bỏ nhà đi chơi cùng anh ta. Không hiểu có chuyện gì xảy ra nhưng khi về nhà, Huyền A. bỏ ăn, vẻ mặt lo âu, mất ngủ, sút cân, cả ngày không nói cười, vật vờ như cái bóng...

Khi gia đình đưa Huyền A. đến Viện Sức khỏe Tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán, tình trạng của cô là sốc tâm lý vì bị lừa gạt. Có thể khi gặp “người yêu ảo”, cô mới nhận ra chân tướng của anh ta không như trên mạng, cũng có thể cô còn bị cưỡng ép tình dục.
 
Hầu hết người bệnh còn trẻ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị Tâm thần phân liệt, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết, những trường hợp bỗng dưng khóc, cười vô cớ do nghiện facebook đến viện điều trị không phải là hiếm. Theo bác sĩ Dũng: “Các trang mạng xã hội như facebook là "cầu nối” để con người có thể giao lưu rộng khắp. Tuy nhiên, nó cũng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của một bộ phận giới trẻ. Bởi đây là một “thế giới ảo” nên nếu không làm chủ được bản thân, người tham gia dễ bị nghiện hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, gạ tình và thậm chí mắc tâm thần.
box-bac-si_tay-nen.jpg
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, mạng xã hội là một thế giới ảo nên nếu không làm chủ được bản thân, người tham gia dễ bị nghiện hoặc bị kẻ xấu lợi dụng
Đa phần bệnh nhân đến viện vì hậu quả của sử dụng mạng xã hội quá nhiều, đặc biệt là facebook thời gian qua là người trẻ tuổi. Những trường hợp này đều có triệu chứng loạn thần cấp. Khi đến viện, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc hoặc sốc điện. Có bệnh nhân được chữa khỏi nhưng không ít trường hợp phải uống thuốc suốt đời”.

Các nghiên cứu cho thấy, việc dành quá nhiều thời gian vào mạng hay ngồi lì bên máy tính hết giờ này qua giờ khác đều khiến con người có thể bị tổn thương não bộ, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận cảm xúc, kiểm soát hành vi và tốc độ đưa ra các quyết định. Những khiếm khuyết này ở não bộ cũng xảy ra tương tự với người nghiện rượu, nghiện ma túy... Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, không nên lạm dụng trang mạng xã hội. Bởi nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến học tập, mối quan hệ với mọi người xung quanh và có nguy cơ giảm thị lực, cơ thể trì trệ, mắc tâm thần.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): “Quá trình dẫn tới nghiện các trang mạng xã hội thường diễn tiến theo các mức độ: Ban đầu là chơi, tham gia cho vui, rồi tiếp đến là ham mê theo từng đợt. Ở giai đoạn này, người bệnh không có biểu hiện về triệu chứng và không thể nhận ra một ngày nào đó mình có thể nghiện. Đến giai đoạn sau, người chơi bắt đầu có biểu hiện lạm dụng việc vào mạng, hễ cứ mở máy tính, điện thoại là phải vào mạng. Cuối cùng, họ bị nghiện vào các trang mạng này, không còn hứng thú tới việc gì khác, chỉ suốt ngày gắn với máy tính đến quên ăn, quên ngủ, dẫn tới cơ thể suy nhược, tâm trí không bình thường”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm