Câu chuyện một siêu thị điện máy thuê dàn nhân viên nữ mặc bikini tiếp đón khách kiêm bán hàng còn chưa kịp nguội trên mạng xã hội, một quán bia đã tranh thủ hơi nóng nhái chiêu marketing, facebook được dịp chỉ trích rộn ràng. Những mối lo ngại chân chính được đặt ra rằng sẽ có có một trào lưu PR hạ đẳng ra đời lợi dụng thị hiếu tầm thường của người tiêu dùng.
Mặc bikini gây bão ở siêu thị điện máy Trần Anh |
Nếu điềm báo ấy xảy ra, siêu thị điện máy hay quán bia kia chắc chắn không có lỗi.
Người khởi xướng phong cách tiếp đón khách bằng bikini lại là một hãng vận chuyển hàng không tư nhân. Năm 2012, khi hãng này lần đầu đưa một dàn tiếp viên lẫn người mẫu nghiệp dư lên máy bay mặc bikini nhảy múa vũ điệu Hawaii nóng bỏng phục vụ khách hàng, facebook cũng rầm rộ chỉ trích như hiện nay. Cơ quan chức năng vào cuộc và hãng máy bay bị phạt 20 triệu đồng vì… trình diễn thời trang không xin phép.
Những năm kế tiếp, sau khi đã biết phải xin phép ở đâu, hãng thường xuyên tổ chức sự kiện bikini để “tri ân khách hàng”, rồi làm cả lịch bikini. Tất cả dường như đều được chào đón. Mặc khoảng cách giữa nữ tiếp viên mặc bikini đứng nhảy vũ điệu Hawaii nóng bỏng ở lối đi hẹp dành cho một người giữa hai hàng ghế trong khoang máy bay với khách hàng, còn gần hơn rất nhiều khoảng cách giữa các cô nhân viên với khách hàng ở siêu thị điện máy hay quán bia.
Mạng xã hội cũng đã quen và chẳng thấy ai chỉ trích nữa. Mức độ phản cảm hóa ra không liên quan đến độ hở của da thịt hay khoảng cách, mà lại nằm ở tần suất xuất hiện. Càng xuất hiện nhiều càng phản cảm ít.
Vì thế, nếu siêu thị điện máy hay quán bia chịu đầu tư sự kiện bikini thường kì, họ sẽ được nhìn nhận với con mắt hiền hòa hơn. Dĩ nhiên, họ phải xin phép tổ chức sự kiện và biết nơi nào để xin phép.
Quay trở lại chuyện mặc bikini ở đâu thì phù hợp? Chưa có một quy định nào về việc này. Cũng như chưa hề có một văn bản nào quy định mặc bikini ở đâu, theo cách thức nào thì vi phạm thuần phong mĩ tục. Các cô gái tuổi đôi mươi trong trắng mặc bikini diễu qua diễu lại trên sân khấu, cho hàng nghìn người trực tiếp và hàng triệu người qua màn hình ti vi, ngắm nghía, chỉ trỏ, bình phẩm, so đo các con số vòng 1, vòng 2, vòng 3, rồi kết luận “lép”, “căng”, “nhỏ quá”, “to thế”, hay cô này đẹp hơn cô kia - như thế có thuận với thuần phong mĩ tục của người Việt hay không? Và việc những cô gái khác mặc bikini ra đón khách, tiếp khách, nhằm tiếp thị cho công ty (chứ không phải tiếp thị hình ảnh cơ thể cá nhân) thì trái với thuần phong mĩ tục ở chi tiết nào? Chưa có ai chỉ ra được.
Các cô gái mặc bikini phục vụ khách một cách tự nhiên ở một quán bia ở Hà Nội khiến không ít mày râu đỏ mặt |
Một chuyên gia về truyền thông thương hiệu cho rằng: Ngay cả án phạt 40 triệu đồng mà Sở VHTTDL Hà Nội áp dụng cho hai đơn vị kinh doanh này cũng đầy cảm tính, dựa trên sự phẫn nộ cảm tính của cư dân mạng xã hội, thay vì chỉ rõ vi phạm thuần phong mĩ tục ở điểm nào. Chính sự cảm tính này sẽ gây ra những nhập nhằng của khái niệm phản cảm, tạo cơ hội cho phong cách bikini trở thành một xu hướng marketing trong tương lai gần.
“Tuy nhiên, nếu thực sự xu hướng đó xảy ra thì cũng là chuyện bình thường và cũng không gây thiệt hại gì cho người tiêu dùng, ngược lại sẽ là “lợi bất cập hại” với đơn vị kinh doanh” - vị chuyên gia này cho hay.
Theo quan điểm của ông, người tiêu dùng không dễ gì bị che mắt bởi những hình ảnh bikini hấp dẫn. Sẽ có nhiều người quan tâm hơn nhưng không có nghĩa là sẽ có nhiều người mua hơn. Những yếu tố khiến người tiêu dùng rút hầu bao cuối cùng vẫn phải là giá cả thế nào, hậu mãi ra sao và địa điểm có gần họ không.
Chiêu marketing này vì thế dù có thể gây chú ý mạnh nhưng lại chẳng có gì đảm bảo cho doanh số sẽ tăng. Nhân viên mặc bikini thì chỉ thu hút được đàn ông từ 18 đến tầm 35. Mà đơn vị kinh doanh lại đâu chỉ bán hàng cho nhóm đối tượng này. Những đối tượng khác liệu có đến không. Các bà nội trợ sẽ cấm chồng mình đến siêu thị điện máy mua máy giặt, tủ lạnh, tivi thì sao. Cuối cùng vẫn là bài toán doanh số. Chẳng doanh nghiệp nào dại dột đánh đổi doanh số bằng sự chơi trội.
Do đó, cứ để cho thị trường quyết định, người mua hàng quyết định. Chính diễn biến thực tế của thị trường sẽ cho thấy cơn phẫn nộ trên mạng xã hội là thực hay ảo, là sự trân trọng thuần phong mĩ tục hay là cảm xúc hời hợt tức thời.