Mạc Can: "Đến giờ tôi vẫn không tin mình là nhà văn"

02/02/2018 - 00:00
Tuần này, “Sau Ánh Hào Quang” giới thiệu số phát sóng đặc biệt với sự xuất hiện của 3 nghệ sĩ lão thành Mạc Can, Thiên Kim và nhà giáo ưu tú Mạnh Dung. Cuộc đời thăng trầm của các nghệ sĩ đều chứa đựng những giá trị sống đáng chiêm nghiệm.
img_3717.JPG
Các nghệ sĩ lão thành sẽ có cuộc trò chuyện thú vị với MC Trấn Thành và khán giả trước thềm xuân mới. Ảnh: Lễ Nhân
Mạc Can đến giờ vẫn không tin mình là nhà văn

Không bùng nổ như một cơn lốc, Mạc Can vẫn là một "danh từ riêng" nổi bật trong nền nghệ thuật Việt Nam. Qua bao thế hệ, nghệ sĩ Mạc Can đã gắn bó với đời sống tinh thần của công chúng ở nhiều vai trò khác nhau. Người ta thấy ông trong các tác phẩm điện ảnh, khóc cười với ông trên sân khấu kịch, trầm trồ trước những màn ảo thuật nhưng cũng bùi ngùi cùng ông qua từng con chữ. 
mac-can.JPG
Mạc Can là một nghệ sĩ, nhà văn đa tài bậc nhất của làng văn nghệ Việt

“Lúc mới sinh, má nhìn mặt tui đã thấy tức cười” - nghệ sĩ Mạc Can tâm sự. Có lẽ từ giây phút ấy, sứ mệnh đem lại niềm vui cho người khác đã được đặt để cho ông. Trên chiếc ghe hát của cha mẹ, hằng ngày, cậu bé Mạc Can được nuôi nấng bởi câu vọng cổ của mẹ và sự biến hóa diệu kỳ từ cha. Ông cho biết: “Tui diễn từ khi chỉ mới biết bò”. Lớn lên, Mạc Can theo thân phụ mưu sinh bằng những vai hề của gánh hát rồi chuyển dần sang ảo thuật. Hằng đêm, gia đình Mạc Can sống trong tiếng nhạc, khói lửa với những màn trình diễn kịch tính.

Bên cạnh niềm vui, điều khiến Mạc Can đau lòng nhất chính là hình ảnh vất vả của cô em gái. Mang phận gái mong manh nhưng cô lại là nhân vật chính cho trò phóng dao rùng rợn. Cứ thế, cô em gái nhỏ phải gồng mình đối diện với nỗi sợ để đổi lấy tiếng hò reo tán thưởng của người đời. Day dứt khôn nguôi, Mạc Can đã ôm nỗi đau ấy gần 40 năm để rồi tỏ bày trong tiểu thuyết đầu tay của mình: “Tấm ván phóng dao”.

Mac-can.JPG
Lão nghệ sĩ bỗng trở thành nhà văn vì tình yêu thương ông dành cho cô em gái
Chính Mạc Can cũng không ngờ mình lại trở thành “nhà văn”. Nghệ sĩ cho biết, ông viết hoàn toàn nhờ vào bản năng và được biết đến nhờ tính “lì”. Đi nhiều và trải nghiệm sâu, Mạc Can thấy cả vũ trụ như ôm lấy trái tim mình. Nhìn người bạn bị tật ở đầu, Mạc Can tưởng tượng đến một nhân sinh giữ viên ngọc quý ở khối óc được mặt trăng gửi xuống trần gian. Thật lạ khi một Mạc Can chân chất lại giàu thơ, giàu tình đến lạ trong văn chương. Ấy vậy mà tác phẩm của ông cũng hơn trăm lần bị từ chối. Chỉ đến khi đưa ra bản thảo “Tấm ván phóng dao”, Mạc Can mới có được cuốn tiểu thuyết của riêng mình và đoạt giải thưởng cao nhất năm đấy.

Từ 200 cuốn đầu tiên được in ấn, “Tấm ván phóng dao” được tái bản thành 2000 cuốn. Những ngày sống trên đất Mỹ, Mạc Can phải xin được đặt bán tác phẩm của mình tại các chợ người Việt. Chính nhờ tình thương của độc giả dành cho tiểu thuyết, Mạc Can đã có cơ hội trở lại quê hương khi đầu đã điểm tuyết sương.

Nghệ sĩ Thiên Kim - trọn một đời đời độc

Luôn nở nụ cười trên môi, nghệ sĩ Thiên Kim là một hình ảnh phúc hậu được công chúng yêu thương nhiều thập niên trên sóng truyền hình. Lạc quan và yêu đời, chẳng ai ngờ người nghệ sĩ 86 tuổi đã trải qua một đời trôi nổi trong sự đơn độc.

Số phận của nghệ sĩ Thiên Kim gắn liền với chữ lãng quên. Từ lúc lọt lòng, nghệ sĩ Thiên Kim đã bị cha ruột ruồng bỏ, không thèm nhận mặt. Chưa nhớ được hơi ấm của mẹ, cô bé 3 tuổi Thiên Kim lại trôi dạt, tá túc tình thương từ người dì ghẻ đến năm 8 tuổi. May mắn thay, chính nghệ thuật đã trở thành hơi ấm ôm ấp trái tim nhỏ bé ấy. Thiên Kim bắt đầu nghiệp diễn với những vai đào con và chính thức trở thành nghệ sĩ ở tuổi hoa niên cùng vở Phụng Nghi Đình. Trong một lần diễn, sân khấu của cô đã bị thiêu cháy vì bom đạn. Quá sợ hãi, Thiên Kim đã rời xa cải lương và chuyển sang tân nhạc, lồng tiếng phim từ năm 1955. Thân gái dặm trường, một mình bà nuôi mẹ, 5 con và 5 cháu ngày này qua tháng nọ.
Nghe-si-Thien-Kim.JPG
Nghệ sĩ Thiên Kim

“Làm ngày làm đêm mà các con lại không thương cô” - nghệ sĩ Thiên Kim tâm tình. Thế nhưng, bà không giận con mà vẫn chấp nhận sự thật ấy một cách nhẹ nhàng. Bà nói: “Chắc do mình chỉ chăm kiếm tiền, nhờ mẹ nuôi giúp nên các con không có nhiều tình cảm”. Cùng sự hỗ trợ của chị gái, nghệ sĩ Thiên Kim đến với viện dưỡng lão nghệ sĩ do nghệ sĩ Phùng Há thành lập sinh sống gần 20 năm nay.

Một đời tan vỡ nhưng nghệ sĩ Thiên Kim luôn hàm ơn Tổ nghiệp. Bà cho rằng được ở trong viện dưỡng lão cũng là một ân xá mà Tổ đã ban cho mình bởi ở đó bà luôn nhận được tình thương của biết bao khán giả gần xa ngày đêm lui tới. Với Thiên Kim, “nghề hát” không bạc bẽo, không là nghiệp mà chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của bà. “Sống nhờ sân khấu xin cũng được chết trên sân khấu” - nghệ sĩ Thiên Kim tâm nguyện.

Nhà giáo -SNƯT Mạnh Dung hạnh phúc vợ chồng tới khi bạc đầu

Nhân vật cuối cùng trong bộ ba “Phúc Lộc Thọ” của Sau Ánh Hào Quang chính là nghệ sĩ - Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung. Năm nay 79 tuổi, ông vẫn giữ được phong độ và vẻ đạo mạo của một chân dung nghệ thuật dày dặn kinh nghiệm.
nha-giao-manh-dung.JPG
Nhà giáo Mạnh Dung cùng vợ

Nghệ sĩ Mạnh Dung sinh ra trong một gia đình có cha là người gốc Hà Nội. Ngay từ bé, ông đã theo cha ngang dọc trên những toa tàu. Do đó, quê hương ông không nằm gọn trong một tỉnh thành mà là cả dải đất hình chữ S. Rong ruổi khắp Việt Nam, cậu bé Mạnh Dung vô tình yêu cả nét văn hóa, tinh hoa của nhiều vùng miền. Là người gốc Bắc nhưng nghệ sĩ Mạnh Dung lại yêu hết mực nghệ thuật cải lương. Từ đây, ông chấp nhận gác lại sự nghiệp phim ảnh để học giọng nam bộ, luyện tập cải lương và chính thức trở thành giảng viên ngành sân khấu từ năm 1984.

Tại Sau Ánh Hào Quang, người bạn đời của nghệ sĩ Mạnh Dung - cô Thanh Dậu cũng sẽ xuất hiện. Từ chiếc nôi cải lương, tình yêu của cả hai nghệ sĩ đã được đơm hoa kết trái và bền chặt mãi cho đến tận bây giờ. Sau 60 năm, Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung và cô Thanh Dậu vẫn gọi nhau trìu mến là “anh” và “em” như phút ban đầu.
 
Sau Ánh Hào Quang sẽ phát sóng vào lúc 21 giờ, thứ Hai (05/02) trên HTV7.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm