Văn hóa - giải trí

Mai một nếp nhà truyền thống của người Cơ Tu: Bài toán khó giữa bảo tồn văn hoá và tiếp cận hiện đại

An Nhi 08/07/2024 - 04:02 PM
Vẫn biết quy luật của cuộc sống là sự đổi mới không ngừng, tre già măng rồi sẽ mọc, nhưng người ta cũng không khỏi chạnh lòng khi những thứ xưa cũ dần mai một, mà trong đó phải kể đến những mái nhà lợp mây của người Cơ Tu ở Quảng Nam dường như đã vắng bóng trong các xóm thôn làng bản.

Những tiếng sáo gọi tình vang vọng rừng núi, những đôi bàn tay thoăn thoắt se chỉ xâu cườm, những lời chỉ bảo của già già làng đang dạy cháu con điêu khắc… tất cả làm nên một bức tranh sinh động về đời sống văn hóa, tinh thần của những người Cơ Tu ở phía Tây dãy Trường Sơn.

Cũng như bao dân tộc anh em sinh sống ở miền núi khác, người Cơ Tu trước đây cũng ở nhà sàn, được thiết kế theo hình oval (hình tròn thuôn dài). Theo già làng Briu Pố (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam), nhà truyền thống của người Cơ Tu được lợp mây. Để có được ngôi nhà chắc chắn, người Cơ Tu phải đi gom cây mây trong một thời gian dài, phơi khô rồi tỉ mẩn xếp từng lớp đan vào nhau chắc chắn phía trên mái nhà được làm từ gỗ và khung tre. Nhờ đó, ngôi nhà của người Cơ Tu luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông trước sự khắc nghiệt của thời tiết phía Tây Quảng Nam.

Trong nhà, gian bếp sẽ là nơi được chú trọng nhất, bếp ở đâu người Cơ Tu sẽ ngủ ở ngay gần đó. Người Cơ Tu cũng không thờ ai mà chủ yếu thực hiện các lễ cúng quan trọng. Đặc biệt, người Cơ Tu cũng không trang trí cầu kì ở nhà riêng mà dành mọi tâm huyết vào việc chạm trổ, xây dựng tinh vi cho Gươl của làng (nhà sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu).

Có thể nói, lớp lớp người, lớp lớp thế hệ đã được sinh ra và lớn lên từ những ngôi nhà gỗ được dựng nên bởi bàn tay khéo léo của những người cha, sự vun vén ấm cúng của những người mẹ và hơn cả là truyền thống ấy đã tồn tại nhờ sự đúc rút kinh nghiệm ngàn đời của người xưa. Tuy nhiên, đến các huyện như Đông Giang, Tây Giang thời điểm này, thật khó để tìm thấy một ngôi nhà truyền thống còn sót lại.

Nhiều người cũng không còn ở nhà sàn mà làm nhà gỗ trực tiếp trên nền đất hoặc xây gạch. Cách bài trí trang thiết bị trong gia đình cũng có nhiều thay đổi với những trang thiết bị điện tử, các buồng phòng cũng được ngăn cách tạo không gian riêng tư. Đời sống tinh thần của người dân cũng được cải thiện với nhiều loại hình giải trí hiện đại thay vì chỉ có đàn, hát bằng những nhạc cụ tự làm từ cây cối.

Vẫn biết quy luật của cuộc sống là sự đổi mới không ngừng, tre già măng rồi sẽ mọc, nhưng người ta cũng không khỏi chạnh lòng khi những thứ xưa cũ dần mai một đi, mà trong đó phải kể đến những mái nhà lợp mây dường như đã vắng bóng trong các xóm thôn làng bản.

"Hiện nay, điều tôi lo lắng nhất là những đứa trẻ sinh ra, cái đầu tiên nó nhìn thấy là những ngôi nhà lợp mái tôn. Theo xu thế phát triển của thời đại, mình không thể cấm người ta tiếp cận với những cái mới, nhưng dần dà lớp trẻ sẽ không còn biết cha ông nó từng sống như thế nào. Văn hóa mà không còn thì bản sắc dân tộc sẽ sớm mai một"- già làng Briu Pố cho hay.

Với sự trăn trở của những người còn nặng lòng với mấy tiếng "người đồng mình" thân thương, UBND huyện Tây Giang đã dựng lại mô hình làng truyền thống Cơ Tu ở khu trung tâm huyện, với những căn nhà theo đúng nếp cũ quây quần bên Gươl. Đây vừa là nơi cho du khách tham quan tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Cơ Tu, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về gốc gác cội rễ của dân tộc mình, mà gần gũi nhất là những nếp nhà nay đã mai một theo sự phát triển của xu thế mới. Dẫu vậy, mô hình này cũng chỉ là lời giảỉ tạm thời cho bài toán khó của những người làm công tác bảo tồn truyền thống và tiếp cận văn hóa hiện đại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn