Mãn kinh sớm và những tác động “tàn phá” sức khỏe của phụ nữ

Minh Ngọc
02/03/2022 - 11:16
Mãn kinh sớm và những tác động “tàn phá” sức khỏe của phụ nữ

Ảnh minh họa: ST

Phụ nữ trước 45 tuổi mà nhiều tháng liền không có kinh nguyệt thì được coi là mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Mãn kinh sớm là gì?

Trong dự án nghiên cứu sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe phụ nữ (CRE WHiRL) của Đại học Monash (Úc), các nhà khoa học đã tiếp nhận hàng trăm chia sẻ về những trải nghiệm mãn kinh sớm như thay đổi thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xung quanh…

Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, buồng trứng sẽ ngừng sản xuất trứng, dừng kinh nguyệt và lượng estrogen giảm đột ngột. Độ tuổi trung bình bắt đầu thời kỳ mãn kinh là vào khoảng 51 tuổi khi hết kinh nguyệt liên tục 12 tháng. Nếu điều này xảy ra trước tuổi 45 sẽ được xem là mãn kinh sớm. Ngoài ra, mắc bệnh suy buồng trứng sớm (POI) cũng có thể mãn kinh trước tuổi 40.

Mãn kinh sớm có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước, và khó lòng biết được nguyên nhân là gì. Tuy nhiên, có một vài yếu tố tiềm ẩn dẫn đến điều này, như tiền sử gia đình mắc POI, bệnh tự miễn, hút thuốc, dậy thì sớm và các yếu tố xã hội khác. Mãn kinh sớm cũng có thể là tác dụng phụ của việc hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng. Ngoại trừ những phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng, thì việc dự đoán ai mắc chứng mãn kinh sớm là điều rất khó.

Mãn kinh sớm và những tác động “tàn phá” đến sức khỏe của phụ nữ - Ảnh 1.

Hay bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm là hai trong nhiều biểu hiện của mãn kinh sớm

Các triệu chứng của mãn kinh sớm thường tương tự như mãn kinh thông thường (cơ thể nóng nảy hay bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề tình dục, mệt mỏi, đau khớp và suy giảm trí não), nhưng xảy ra với nhóm phụ nữ trẻ và có xu hướng trở nặng hơn. Ở một số phụ nữ, các dấu hiệu tiền mãn kinh có thể không xảy ra và chỉ bị ngừng kinh nguyệt. Bên cạnh đó, có một số người phát hiện ra mình không thể đậu thai do mãn kinh sớm.

Mặc dù được xem như một hormone sinh sản, nhưng estrogen vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng của não bộ, đặc biệt là trí nhớ. Việc phải đón nhận mãn kinh sớm khiến cho phụ nữ dễ dàng cảm thấy bực bội vì trí óc không còn hoạt động tốt như trước và việc đối phó với những thay đổi trong tâm trạng cũng trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân của mãn kinh sớm (chẳng hạn như hóa trị) và các triệu chứng đã trải qua (như rối loạn giấc ngủ) cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm trạng.

Cảm thấy kém hấp dẫn và không còn khả năng sinh sản

Mãn kinh sớm có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục theo nhiều cách khác nhau. Khô âm đạo có thể gây đau khi quan hệ tình dục. Phụ nữ thường nói rằng họ bị mất ham muốn, điều này có thể khiến các mối quan hệ thân mật trở nên căng thẳng.

Mãn kinh sớm và những tác động “tàn phá” đến sức khỏe của phụ nữ - Ảnh 2.

Thay đổi tâm trạng do mãn kinh sớm có thể khiến phụ nữ lo lắng.

Với nhiều phụ nữ phải đối mặt với mãn kinh sớm, việc mất khả năng sinh sản đột ngột là một điều đau lòng. Jenni, một người đã trải qua thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi mà nhiều bạn bè cùng trang lứa của cô vẫn có thể lên chức bố mẹ chia sẻ: "Chứng kiến niềm vui mà bạn bè tôi trải qua khi mang thai và sinh con, cảm giác của tôi như địa ngục vậy. Tôi rất mừng cho họ, nhưng tôi phải giữ khoảng cách với họ vì tôi thấy chạnh lòng".

Cảm giác khi nhận thông báo mất khả năng sinh sản thường là sốc và tổn thương. Rất hiếm phụ nữ bị POI tự phát sẽ thụ thai một cách tự nhiên. Đối với số đông, họ chỉ có thể mang thai thông qua sự hỗ trợ từ công nghệ bằng cách sử dụng trứng hoặc phôi của người hiến tặng.

Không có thuốc chữa, nhưng các triệu chứng có thể được điều trị

Hiện tại vẫn chưa có cách chữa trị mãn kinh sớm cũng như không có cách để khôi phục chức năng của buồng trứng. Thay vào đó, trọng tâm của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh xương và tim sau khi mãn kinh.

Liệu pháp thay thế hormone (HRT) thường được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ phải đối mặt với mãn kinh để kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và loãng xương. Những rủi ro mà phụ nữ lớn tuổi phải đối mặt khi áp dụng phương pháp HRT so với người trẻ là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu kinh nguyệt không xuất hiện trong vòng 4 đến 6 tháng (và không mang thai hoặc đang điều trị bệnh), bạn nên đi khám bác sĩ để biết liệu mình có thể đang trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hay POI. Bạn cũng có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để biết thêm về tình trạng của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm