pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mang bầu bị cúm, mẹ 9X Hà Nội lặng người nghe bác sĩ nói thai 26 tuần phải đình chỉ
Chị Thanh Hiền (25 tuổi) ở Hà Nội vừa trải qua một thai kỳ với nhiều dấu ấn khó quên. Để được ôm bé Xoài trong vòng tay, chị cùng chồng đã phải trải qua vô vàn những cảm xúc. Đã có khoảnh khắc 2 vợ chồng vỡ òa trong hạnh phúc khi hay tin cấn bầu. Và có lúc chị cùng anh xã ôm nhau bật khóc khi được bác sĩ thông báo bào thai có thể sẽ gặp nguy cơ.
Để được ôm bé Xoài trong vòng tay, chị Hiền cùng chồng đã phải trải qua vô vàn những cảm xúc.
Thai 13 tuần mẹ bị cúm, 26 tuần phát hiện phù thai
Chị Thanh Hiền kết hôn vào tháng 7/2019. Chỉ một tháng sau ngày lên xe hoa, chị hay tin mình có bầu. Chồng chị là con một nên tin con dâu có bầu cả họ hàng không kìm chế nổi cảm xúc vui sướng. Mẹ 9X nhớ lại: “Cưới được một tháng thì có bầu, lúc đó mình đang dạy học cách nhà 20km thì xin nghỉ ở nhà để chăm sóc thai kỳ được tốt nhất”.
Từ ngày cấn thai, chị Hiền ít khi phải làm việc nặng nhọc, thậm chí quần áo thay xong cũng không phải bê xuống giặt máy hay đi phơi mà chỉ quét dọn quanh quẩn nhà cửa, theo lời chị nói thì bản thân mẹ bầu được bố mẹ và chồng “cưng chiều hết mực”.
Mang thai đến tuần 13 chị bị cảm cúm một tuần, tuy nhiên vì không phát hiện có biểu hiện sốt hay bất thường gì đặc biệt nên chị không thăm khám bác sĩ. Qua cơn cúm mùa, sức khỏe chị lại ổn định như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Em bé cán đích thành công là nỗ lực rất lớn của mẹ và đội ngũ y bác sĩ.
Cũng giống như nhiều bà mẹ khác, chị chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho lần mang thai đầu tiên bằng việc uống bổ sung vitamin, canxi, DHA, sắt và không quên làm đủ các xét nghiệm như dị tật thai nhi, tiểu đường thai kỳ và tiêm uốn ván, vắc xin.
Trải qua tam cá nguyệt đầu ổn định, sức khỏe thai kỳ chị không gặp một chút bất thường nào. Cho đến khi vừa bước vào tuần 26, trong một lần đi siêu âm định kỳ chị được phát hiện phù thai và có thể gặp nguy cơ xấu làm ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Mẹ Hà Nội nhớ lại: “Ngày hôm đó hai vợ chồng rất háo hức vì đi siêu âm sẽ được nhìn thấy mặt con. Mình cảm nhận được lần siêu âm này rất khác so với những lần kiểm tra trước đó, bác sĩ siêu âm rất lâu và hỏi mình có thấy đau hoặc không khỏe ở đâu không. Sau vài phút, bác sĩ nói thấy dịch ổ bụng rất nhiều và kết luận phù thai, bác nói phải lên bệnh viện tuyến Trung ương để hội chẩn đình chỉ thai kỳ. Lúc này hai vợ chồng vẫn không hiểu phù thai là gì, dịch ổ bụng là sao? Chỉ nhớ duy nhất một câu bác sĩ nói là đình chỉ thai. Nghe xong hai đứa vừa ra về vừa khóc, về đến nhà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Tức tốc nhấc điện thoại gọi cho người thân, chị được giới thiệu tới gặp một bác sĩ có tiếng trong ngành sản khoa. Trên quãng đường đến phòng khám, hai vợ chồng chị liên tục hy vọng kết quả trước đó có thể có nhầm lẫn.
Hình ảnh sau khi phẫu thuật những tổn thương do viêm phúc mạc phân su.
Mẹ bỉm sữa nói: “Lúc đó mình trấn tĩnh bản thân được một lúc rồi tự an ủi rằng; Chắc không sao đâu, bác sĩ siêu âm nhầm cũng nên. Có lẽ vì mong ngóng được biết chính xác tình trạng sức khỏe nên đường đi ngày hôm đó có vẻ nhanh hơn mọi khi”.
Tại phòng khám, chị Hiền được bác sĩ thông báo có dịch ổ bụng ruột non tăng âm, do ruột em bé bị thủng làm chảy dịch ra ngoài, qua theo dõi thấy có dấu hiệu viêm phúc mạc phân su chứ không phải phù thai như kết luận trước đó.
Để thu thập những thông tin sức khỏe cần thiết của thai nhi từ một mẫu nước ối của người mẹ, sau hôm đó một ngày chị Hiền tìm tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được tiến hành chọc ối. Kết quả nhận được cho thấy sức khỏe của mẹ và bé ổn định, lúc này đôi vợ chồng trẻ mới thở phào nhẹ nhõm.
Trải qua ca phẫu thuật lớn đầu đời song con cũng may mắn hồi phục khá nhanh.
Đến tuần 30 chị đi siêu âm định kỳ, kết quả dịch ổ bụng đã hết, bác sĩ cũng chẩn đoán phần ruột em bé đã tự liền, tuy nhiên dịch thừa ở ổ bụng vẫn còn tạo thành khối viêm phúc mạc phân su. “Về trình trạng viêm phúc mạc phân su, bác sĩ nói có thể có 2 khả năng xảy ra, một là đẻ ra em bé tự đi phân su và hết, hai là sẽ phải phẫu thuật để nhặt”– 9X kể.
Em bé vừa lọt lòng đã phải khâu 10 mũi
Những tháng gần sinh lại rơi vào giáp Tết Nguyên đán nên chị Hiền đứng ngồi không yên, nhất là khi em bé có chút bất thường về tình trạng viêm phúc mạc phân su. Mùng 7 Tết, mẹ bầu sốt sắng đi siêu âm và được bác sĩ động viên cố gắng giữ thai thêm 4 tuần nữa, khi đó thai đạt 38 tuần, sinh thì vừa đẹp.
Trong thời gian này, phần vì lo lắng, phần vì căng thẳng nên chị Hiền đã khóc rất nhiều, sống thu mình lại và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Sau này nghĩ lại chị đoán đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chị sinh em bé sớm hơn so với dự sinh.
Đúng mùng 9 Tết, dù chưa tới ngày sinh nhưng chị đã bắt đầu xuất hiện các cơn chuyển dạ. Do biết trước tình trạng sức khỏe của em bé không giống với các em bé thông thường nên trước khi lên bàn đẻ chị đã đưa mọi kết quả siêu âm trước đó để bác sĩ nắm được tình hình.
Nhìn con lớn lên mỗi ngày, chị Hiền cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Rất nhanh chóng sau đó vài phút là em bé lọt lòng nặng 2,8kg, con ấp da kề da với mẹ 5 phút và nhanh chóng được chuyển lên khoa chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhớ lại thời khắc “vượt cạn”, chị nói: “Khi mới sinh xong do vẫn còn đau nên mình không theo sát được con, song mình vẫn may mắn được người nhà kể lại rằng, khi em bé mới chào đời các bác sĩ đã lấy tay thúc đít con để con đi phân su, mừng quá con mình đi phân su được nhưng vẫn phải phẫu thuật vì khối đó cứng thành vôi hoá”.
Được biết, để được can thiệp tình trạng viêm phúc mạc phân su hiệu quả, em bé đã phải phẫu thuật ngay sau khi vừa mới lọt lòng mẹ để làm sạch, xử trí thương tổn ruột. Trường hợp bé Xoài được tiên lượng khá nặng nên trong quá trình mổ, các bác sĩ cảnh báo bệnh nhi có nguy cơ nhiễm trùng máu cần phải thay máu. Lúc này gia đình chị Hiền đã huy động 6 người nhà để cho máu.
Sau khi phẫu thuật xong, bé Xoài được chuyển sang khoa điều trị tích cực song phải đến ngày thứ 5 sau mổ con mới tỉnh lại. Mẹ Hà Nội nói: “Đến ngày thứ 5 con mới tỉnh vì con mổ phanh phải khâu 10 mũi nên bác sĩ gây mê sâu cho con đỡ đau. Quãng thời gian đó với mình dài như cả thế kỷ vậy. Mỗi buổi trưa tầm 12h30 mình sẽ được nhìn con qua cửa kính, chứng kiến xung quanh người con toàn dây dựa, ống tiêm truyền mà mình đau thắt ruột, chỉ mong được thay con gánh một phần nỗi đau”.
Hơn 10 ngày vừa ra khỏi bụng mẹ và đương đầu với ca phẫu thuật lớn đầu đời, bé Xoài sức khỏe dần ổn định và được xuất viện về nhà trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà.
Mới hơn 1 tháng sau lọt lòng nhưng trộm vía con khá cứng cáp.
Không may mắn khi gặp bất thường trong thai kỳ khiến em bé phải phẫu thuật nhưng bé đã phục hồi khá nhanh sau đó chỉ vài ngày. “Vượt qua được những khó khăn ban đầu mình thấy như một phép màu khi vẫn còn được ôm con trong tay” – 9X bộc bạch.
Vượt qua cơn nguy kịch của bản thân và của chính đứa con bé bỏng, chị Thanh Hiền gửi lời nhắn tới các mẹ đã, đang và sắp mang bầu một thông điệp ý nghĩa. Nếu trong thai kỳ các mẹ không may sức khỏe bất thường thì hãy bình tĩnh lựa chọn cho mình một, hai bác sĩ giỏi và tận tâm để em bé trong bụng được chăm sóc khoẻ mạnh, chống chọi lại bệnh tật giống như bé Xoài.